Một nhóm phóng viên truyền hình Nga bay qua lãnh nguyên Siberia vào mùa hè này và họ phát hiện ra một cái hố khổng lồ sâu 30m, rộng 20m. Nó gây ấn tượng về kích thước, độ cân xứng và cả sức nổ để hình thành.
Đây có thể là cái hố thứ 9 xuất hiện tại khu vực này kể từ năm 2013 và đến nay vẫn là bí ẩn với giới khoa học. Những giả thuyết ban đầu được đưa ra khi chiếc hố đầu tiên được phát hiện gần một mỏ dầu khí tại bán đảo Yamal, tây bắc Siberia đó là một vụ va chạm với thiên thạch, UFO hạ cánh và sự sụp đổ của một kho quân sự bí mật dưới lòng đất.
Giờ đây, các nhà khoa học tin rằng những lỗ hổng này liên quan đến sự tích tụ khí metan. Nguyên nhân có thể là do sự ấm lên tại khu vực này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà họ chưa giải thích được.
Evgeny Chuvilin, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo cho biết: "Hiện tại không có giả thuyết nào về cách hình thành hiện tượng phức tạp này được chấp nhận. Có thể chúng đã hình thành trong nhiều năm, nhưng thật khó để ước tính các con số. Vì những cái hố này thường xuất hiện ở khu vực hoang sơ, không có người ở tại Bắc Cực nên thường không có ai thấy và báo cáo về chúng".
Tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu, chiếm 2/3 lãnh thổ Nga là một hồ chứa khí metan tự nhiên khổng lồ. Đây là loại khí nhà kính mạnh và những mùa hè nóng gần đây tại khu vực có thể đóng vai trò tạo ra những hố sâu này.
Chuvilin và nhóm của ông là một trong số ít những nhà khoa học đã xuống những miệng hố này để tìm hiểu về nguồn gốc của chúng. Các nhà khoa học đã lấy mẫu đất và băng từ vành lỗ Erkuta trong chuyến đi thực tế năm 2017. Thường thì những lỗ khổng lồ này sẽ biến thành hồ trong vòng 2 năm sau khi hình thành.
"Vấn đề chính của những cái hố này là chúng hình thành nhanh đến mức đáng kinh ngạc và thời gian tồn tại rất ngắn trước khi biến thành hồ. Khám phá một cái ở Bắc Cực xa xôi luôn là niềm may mắn cho các nhà khoa học", ông Chuvilin nói.
Nghiên cứu được công bố tháng 6 cho thấy các loại khí, chủ yếu là metan có thể tích tụ trong các lớp trên của băng vĩnh cửu đến từ nhiều nguồn (cả sâu trong lòng cũng như trên bề mặt Trái đất). Sự tích tụ khí này có thể tạo ra áp lực đủ mạnh để làm nổ tung những lớp đất băng phía trên, làm phân tán đất và sau đó tạo ra miệng hố.
Tuy nhiên, ông Chuvilin cho biết nghiên cứu về những lố hổng khổng lồ này còn đang ở giai đoạn đầu và mỗi một hố lại dẫn đến những nghiên cứu mới, khám phá mới. Và đến nay vẫn chưa thể kết luận đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự hình thành bí ẩn này.