Mỗi thời đại có một quan niệm khác nhau về cái đẹp. Tuy nhiên những quan niệm lạc hậu lại có thể trở thành nỗi đau vĩnh viễn với các nạn nhân là người chịu hủ tục đó. Trải qua hàng trăm năm, tuy nhiên nạn nhân của hủ tục bó chân tàn khốc vẫn còn lại một vài người. Trong thời phong kiến ở Trung Quốc, người ta quan niệm rằng chân phụ nữ càng nhỏ càng đẹp.
Vì theo nét đẹp này, nhiều người phụ nữ đã biến chân mình thành nhỏ xíu, quặp về phía mũi chân như "gót sen". Tiêu chuẩn đẹp cổ xưa lại là hủ tục bó chân kinh hoàng, khiến phụ nữ phải chịu đựng đau đớn bó chân từ lúc còn nhỏ.
Dù sau đó, đến thời nhà Thanh đã ngăn chặn hủ tục này nhưng quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, do vậy phải mất một thời gian dài sau đó hủ tục này mới biến mất.
Hiện tại, ở Trung Quốc vẫn còn những "nhân chứng sống" còn sót lại của hủ tục bó chân, với nỗi đau thường trực mãi mãi ở lại. Cụ bà Trương Vân Anh, sinh năm 1927 đã bó chân từ năm 7 tuổi. Có thể thấy cấu trúc xương chân hoàn toàn bị biến dạng, bàn chân của bà giờ đây chỉ còn dài khoảng 10cm.
Để có được đôi chân “đạt chuẩn”, bà Vân Anh cũng như nhiều bé gái khác đã phải bó chân từ khi mới lên 2. Bàn chân bị ngâm trong nước lá dược thảo và máu động vật ấm để ngăn hoại tử.
Sau đó, chúng sẽ bị cắt sạch móng, bẻ gãy từ từ và bị cuốn gọn vào trong bằng vải. Sức cuốn phải chặt tối đa để chân quặp vào trong.
Cứ như vậy, 2 ngày một lần, những đôi chân này sẽ lại được tháo ra, bó lại đến khi bàn chân sẽ bị biến dạng, chỉ còn dài khoảng 10cm. Trong suốt quá trình, không ít trẻ vì nhiễm trùng mà tử vong.
Bà Vân Anh trong suốt quá trình sinh sống cũng gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, ví dụ như bệnh xương khớp hay không thể đi lại. Vì bàn chân dị dạng, cả đời họ phải mang những đôi giày thiết kế riêng.
Ảnh: 163, Sina