Không có cảnh báo trước, hồ nước này đã thải ra hàng trăm nghìn tấn carbon dioxide, ước tính dao động từ 300.000 đến 1,6 triệu và đám mây này lan ra vùng nông thôn lân cận với vận tốc gần 100km/h. Nó đã khiến 1.746 người và hơn 3.500 vật nuôi ra đi trong vòng vài phút.
Hiệu ứng nhanh đến chóng mặt và còn nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh trong Kinh thánh. Người dân địa phương và động vật trong bán kính 25 quanh hồ không thể tồn tại vì thiếu oxy. Nhiều người từ các làng Cha, Nyos, Subum lặng lẽ ra đi trong giấc ngủ. Một số thì trào huyết quanh mũi và miệng. Còn ít người may mắn sống sót tỉnh dậy, họ không thấy bất cứ sự xáo trộn nào, chỉ thấy người thân của mình đã ra đi mãi mãi.
Joseph Nkwain, người thức dậy 3 giờ sau khi đám mây ập đến kể lại trải nghiệm của mình cho nhà nghiên cứu Arnold H. Taylor đến từ ĐH Plymouth: "Tôi không thể nói được, lịm đi, không thể mở miệng vì sau đó tôi đã ngửi thấy mùi gì đó đáng sợ... Tôi nghe thấy tiếng con gái mình ngáy rất lớn, lớn bất thường... Khi đến bên giường con gái, tôi quỵ xuống... Tay tôi bị thương mà không rõ nguyên nhân. Tôi muốn nói nhưng hơi thở cứ nghẹn lại... Tôi đã mất con bé".
Đó là một trong những sự kiện đau đớn nhất lịch sử được ghi lại và các nhà khoa học vẫn chưa thực sự biết được nguyên nhân. George Kling, một nhà sinh thái học tại Đại học Michigan, nói với The Guardian vào năm 2005: "Đó là một trong những sự kiện khó hiểu nhất mà các nhà khoa học từng điều tra. Hồ nước không dâng trào và quét sạch hàng nghìn người".
Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu xác định hồ Nyos đã giải phóng lượng lớn CO2 vào khoảng 9 giờ tối. Vì CO2 nặng hơn không khí xung quanh nên nó nhanh chóng chìm xuống các thung lũng bên dưới, bao phủ mọi thứ với lớp khí dày 50m.
Thông thường, hàng trăm nghìn tấn CO2 chứa trong hồ nhưng lần này có thứ gì đó đã thổi bay mất cái nắp. Như David Bressan từng giải thích cho tờ Scientific American: Khí núi lửa phát ra từ mặt đất bên dưới hồ hòa tan và tập trung ở vùng nước sâu nhất. Nhiệt độ của vùng nhiệt đới này tạo thành một cái "nắp" nước ấm trên vùng nước mát hơn này.
Không biết điều gì đã "phá vỡ phong ấn" và cho phép nước nhiễm CO2 dâng lên. Có thể đó là một trận động đất, lở đất, núi lửa phun trào hoặc đơn giản chỉ là một dòng chảy làm xáo trộn mực nước. Sự kích hoạt hoàn toàn im lặng nhưng hậu quả thì khôn lường.
Tờ Atlas Obscura từng đưa tin: "Hồ nước đã phát nổ theo đúng nghĩa đen tạo ra một vụ phun trào đá vôi, hình thành một đài phun cao hơn 91m lên không trung và tạo ra một cơn sóng thần nhỏ".
Khi không có lời giải thích khoa học cho sự kiện này, người dân địa phương đồn đoán rằng vụ phun trào bắt nguồn từ hoạt động thử nghiệm bí mật của chính phủ Israel và Cameroon.
Thật kỳ lạ, một sự kiện tương tự đã xảy ra gần đó chỉ 2 năm trước tại hồ Monoun. Vụ phun trào CO2 tại đây đã cướp đi 37 người. Không ai biết điều gì đã kích hoạt sự kiện.
Để ngăn những trường hợp tương tự xảy ra, vào năm 2001, các kỹ sư đã đặt các đường ống ở cả 2 hồ để hút CO2 từ dưới đáy và thải từ từ vào không khí. Một bộ đường ống khác được lắp đặt vào năm 2011 sau khi các nhà nghiên cứu cảnh báo về một sự kiện khác còn tồi tệ hơn 2 vụ trước.
Khi vấn đề này được giải quyết thì vấn đề khác lại nảy sinh. Bức tường tự nhiên bao quanh hồ Nyos bắt đầu yếu đi. Nếu có thứ gì đó làm Trái đất dịch chuyển và đánh bật bức tường thì không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra. Kể từ đó, người ta xây dựng một con đập bao quanh bức tường để bảo vệ nó. Hy vọng các nhà khoa học sẽ tìm cách để dự báo được hoạt động của hồ nước này để những sự kiện hơn 30 năm trước không còn tái diễn.
(Theo Sciencealert)