Cảnh báo được đưa ra khi số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã vượt 184.000 với hơn 2,6 triệu ca mắc. Đại dịch không chỉ gây ra một trường hợp khẩn cấp y tế mà còn khiến các doanh nghiệp rơi vào cuộc chiến sống còn, hàng triệu người bị mất việc, hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.
Tổng thống Donald Trump, đã chuẩn bị ký sắc lệnh đình chỉ cấp thẻ xanh trong 60 ngày trước tình trạng thất nghiệp đang lan rộng khắp nước Mỹ. Các chuyên gia y tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cảnh báo rằng Mỹ có thể đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai thậm chí còn nguy hiểm hơn vào mùa đông sắp tới khi các bang tại nước này rục rịch mở cửa trở lại một số doanh nghiệp có chọn lọc.
Các quốc gia trên thế giới đang vật lộn để chống lại đại dịch trong khi tuyệt vọng tìm cách hạn chế sự sụp đổ của kinh tế. Khi các nước chuyển sang gỡ bỏ lệnh phong tỏa và các hạn chế, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo: "Đừng nhầm lẫn, chúng ta còn một chặng đường dài. Virus này sẽ còn ở với chúng ta một thời gian dài".
"Hầu hết các quốc gia vẫn đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Và một số quốc gia bị ảnh hưởng sớm trong đại dịch giờ đang thấy sự hồi sinh các ca nhiễm", ông nói tại cuộc họp báo trực tuyến. Khu vực bị tấn công mạnh nhất là châu Âu đã chứng kiến các ca tử vong leo lên một cột mốc nghiệt ngã khác là 110.000, trong khi số ca tử vong tại Italy đã đạt 25.000.
Phần Lan cho biết họ sẽ duy trì lệnh cấp tụ tập trên 500 người đến tháng 7. Tây Ban Nha, nơi chứng kiến sự gia tăng nhẹ số ca tử vong ngày thứ hai liên tiếp dự kiến sẽ gỡ dần các lệnh phong tỏa từ giữa tháng 5. "Chúng ta phải cực kỳ cẩn thận trong giai đoạn này", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói.
Tại Đức, nơi đang thận trọng cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại tuyên bố các thử nghiệm vắc xin trên người sẽ bắt đầu vào tuần tới. Còn ở Mỹ, Giám đốc CDC cảnh báo người Mỹ hãy chuẩn bị cho một đợt bùng phát mới dữ dội hơn.
Ở Nam Phi, hơn 73.000 binh sĩ được điều động để thực thi lệnh phong tỏa khi chính quyền cố gắng giữ người dân ở trong nhà, đặc biệt là tại các thị trấn quá đông đúc.
Với các doanh nghiệp bị đóng cửa, hàng triệu việc làm bị mất, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cảnh báo thế giới không chỉ đối phó với Covid-19 mà còn đối diện với nạn đói khủng khiếp. "Hàng triệu thường dân sống tại các quốc gia có xung đột phải đối mặt với việc bị đẩy tới bờ vực của nạn đói", giám đốc WFP David Beasley phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ. WFP dự đoán số người đói sẽ tăng gấp đôi lên 265 triệu trong năm nay.