Nhà báo ABC Bang Xiao đã có những trải nghiệm thực tế với hủ tục này. Vào năm 2009, một năm sau khi bạn của nhà báo, Li Chaolong qua đời vì bệnh bạch cầu, mẹ Li cuối cùng cũng tìm được cho anh một cô dâu là Li Xiuying ở cùng làng, sắp chết vì suy thận. Cô dâu đã qua đời sau đó không lâu. Cả 2 gia đình ôm nhau khóc trong đám tang, vừa vui vừa buồn.
Ngày hôm sau, một đám cưới nhưng cũng là đám tang được tổ chức. Cặp vợ chồng, đều qua đời khi còn rất trẻ và chưa từng gặp nhau khi còn sống, được chôn cùng nhau tại mộ phần nhà họ Li. "Cuộc hôn nhân vô cùng ý nghĩa đối với gia đình vì trong năm đầu tiên sau khi Li qua đời, những người lớn tuổi trong nhà đã cấm mẹ anh chôn cất con trai do anh ấy chết khi còn độc thân". Nếu để Li nhập mộ sẽ bị xem là mang lại xui xẻo cho bà anh, người vẫn còn sống vào thời điểm đó.
>> Xem thêm: 9 phong tục cưới hỏi kỳ lạ trên thế giới, phong tục số 9 làm nhiều người thà ở vậy còn hơn
Theo truyền thống, khi chết mà không có con nối dõi tông đường thì Li không xứng đáng được nghỉ ngơi bên cạnh tổ tiên. Còn đối với cha mẹ cô dâu, nếu không sắp xếp được một cuộc minh hôn thì con gái họ sẽ không dược phép chôn chính thức ở bất cứ nơi nào.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc kêu gọi người dân không mê tín nhưng tục minh hôn vẫn tồn tại ở một số khu vực nông thôn Trung Quốc. Chuyên gia văn hóa dân gian Huang Jingchun tại ĐH Thượng Hải nói với truyền thông Trung Quốc hồi đầu năm 2018 rằng những người còn thực hiện hủ tục này thấy nó "rất bình thường" và họ ngạc nhiên khi những người khác kinh ngạc.
Tiến sĩ Huang đã nghiên cứu về tục minh hôn trong 15 năm và có nhiều năm nghiên cứu thực địa quanh Cao nguyên Hoàng Thổ, Trung Quốc và những khu vực lân cận, nơi mà phong tục này phổ biến nhất. "Không ai cố gắng che giấu hoặc không nói về nó. Ngược lại, mọi người thấy ngạc nhiên khi đây có thể là một chủ đề được nghiên cứu", ông nói.
Tại huyện Hồng Đồng, tỉnh Sơn Tây, tiến sĩ Huang cho biết ngay cả những tài xế taxi của ông cũng đều có kinh nghiệm trực tiếp sắp xếp một cuộc minh hôn hoặc chứng kiến những lễ cưới ma do bạn bè, hàng xóm tổ chức. "Nhiều gia đình thực hiện lễ cưới ma tại khu vực của chúng tôi", một tài xế nói với ông Huang.
Trong xã hội Trung Quốc, nhiều người tin rằng các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ phải đáp ứng nhu cầu của người quá cố. Mọi người đốt các lễ vật như tiền, nhà, thậm chí cả người hầu bằng giấy (vàng mã) cho người thế giới bên kia.
Mỗi địa phương khác nhau thì tục minh hôn cũng khác nhau. Ở tỉnh Thiểm Tây những cuộc hôn nhân ở thế giới bên kia nhấn mạnh đến việc phù hợp với người quá cố, với hy vọng người đó sẽ có một cuộc sống hạnh phúc ở âm phủ. Tuy nhiên, giáo sư Yao nói rằng tại Sơn Tây, những cuộc hôn nhân được sắp xếp để người độc thân quá cố có thể được chôn trogn phần mộ gia đình. Tại tỉnh Hà Bắc, con cái thậm chí có thể sắp xếp hôn nhân cho bố mẹ đã quá cố.
>> Xem thêm: Lạ kỳ phong tục xem x.á.c c.h.ế.t diễu hành ở Indonesia
Tiến sĩ Huang cho rằng việc thực hiện tục minh hôn cũng thể hiện nỗi sợ ma và sự mê tín. "Mọi người vô cùng sợ hãi khi bị người nhà quá cố ám, bởi những con ma có thể trở lại và mang đến thảm họa cũng như cái chết", ông nói. "Cuối cùng thì nghi lễ này là vô nghĩa với người chết và chỉ để phục vụ cho người sống".
Chợ đen bán xác phụ nữ
Đối với Li Chaolong, nhà báo Bang Xiao nói rằng nếu mất vài năm để tìm một cô dâu cho anh thì quá lâu. Nhưng gia đình anh cảm thấy vô cùng may mắn khi cuối cùng cũng tìm được một người. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Tính đến cuối năm 2017, số nam giới nhiều hơn nữa tại nước này là 32,66 triệu người, theo cục Thống kê Quốc gia.
Vào năm 2003, bà Chen (trái), một phụ nữ khuyết tật đã bị gia đình bán với giá 6.000 USD, được cấp giấy chứng tử giả và bán sang tỉnh khác để làm minh hôn. Ảnh: Tư liệu
Nhiều đàn ông Trung Quốc phải vật lộn để tìm vợ và mọi thứ trở nên phức tạp hơn với những nam giới độc thân ở vùng nông thôn Trung Quốc. Nơi đó có nhiều vấn đề như phụ nữ đã lên thành phố làm việc, suy nghĩ trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính thai nhi. Do đó, tại các tỉnh như Sơn Tây, Thiểm Tây, nơi có ngành khai thác than và tai nạn hầm mỏ thường xuyên xảy ra, nam giới độc thân tử vong nhiều, nhu cầu cô dâu ma càng lớn.
Wang Yong, một nhân viên tại bệnh viện Sơn Tây nói rằng một khi có tin cô gái nào đó sắp chết, hàng chục gia đình mất con trai đã đổ xô đến bệnh viện để tranh nhau đấu giá. "Thông thường khi cuộc đấu giá kết thúc, gia đình có cô gái sẽ hứa giao xác cho cha mẹ chiến thắng, lúc ấy cô gái còn sống", Wang Yong nói.
>> Xem thêm: Phong tục tổ chức "đám cưới ma" cho những đứa trẻ đã chết vẫn tồn tại ở Ấn Độ
Cách đây 30 năm, chi phí để mua một xác nữ và tổ chức minh hôn khoảng 5.000 nhân dân tệ (1.035 USD), một người mai mối kinh doanh dịch vụ này từ những năm 1990 cho biết. Giá cả dường như đã tăng vọt trong thập kỷ tiếp theo và vào năm 2016, người mai mối nói bạn không thể mua được nổi bộ xương với giá dưới 150.000 nhân dân tệ (31.059 USD).
Giáo sư Yao nói rằng có ít nhất 12 vụ án mạng nổi bật liên quan đến minh hôn và nhiều trường hợp bắt cóc, trộm mộ. Năm 2016, một người đàn ông tên Ma Chonghua đến từ tây bắc Trung Quốc đã sát hại 2 phụ nữ tâm thần và bán thi thể với giá 40.000 nhân dân tệ mỗi người (8.300 USD) cho những cuộc minh hôn.
Ở Trung Quốc, hiện không có quy định nào đặc biệt để cấm tục minh hôn hay thậm chí là cấm bán hay mua thi thể. "Loại bỏ một truyền thống là quá trình lâu dài và chậm chạp", một nhân viên của Bộ Nội vụ Thiểm Tây nói với truyền thông Trung Quốc.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, tục kết hôn với người chết được thực hiện ở Pháp, Sudan và nhiều khu vực tại châu Á.