Trả lời phỏng vấn Fox News với câu hỏi liệu xung đột Ukraine có thể biến thành một cuộc xung đột hạt nhân hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: "Tôi không tin".
Theo lời ông, tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế đang làm hết sức để ngăn chặn viễn cảnh này, nhưng Ukraine có quyền tự vệ và phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov liên quan đến khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, ông Austin nói: "Chúng ta đã nói đi nói lại rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không mang lại chiến thắng cho bên nào. Vì vậy, tôi nghĩ những lời nói lung tung và khoa trương như thế là vô ích".
Theo ông Austin, thật "khó nói" điều gì đã thúc đẩy Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra những bình luận như vậy, "nhưng một lần nữa, tôi cho rằng nên tránh những phát ngôn kiểu đó".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Bolshaya Igra trên Channel One TV ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết vào tháng Giêng, 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã đưa ra tuyên bố về việc không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân. "Đây là quan điểm chính của chúng tôi, chúng tôi đi theo chỉ dẫn này và tất nhiên tôi không muốn thấy những nguy cơ này bị thổi phồng một cách giả tạo", ông Lavrov nói. "Nguy cơ là nghiêm trọng và có thật, không nên coi thường".
Ngoại trưởng Lavrov ca ngợi động thái đối ngoại đầu tiên của chính quyền Biden (gia hạn vô điều kiện hiệp ước Khởi đầu mới thêm 5 năm) là "tốt và khôn ngoan". Mặt khác, đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn tồn tại sau khi Washington rút khỏi các hiệp ước ABM, INF và Bầu trời Mở.
Các cuộc thảo luận với những nhóm đàm phán của Mỹ đột ngột kết thúc vào tháng 2 sau khi Nga "buộc phải bảo vệ người Nga tại Ukraine" bị "ném bom 8 năm mà không có bất kỳ phản ứng nào từ phương Tây", ông Lavrov lưu ý.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 (khủng hoảng Caribe). Khi đó, ông nói rằng không có nhiều quy tắc "thành văn", nhưng các quy tắc ứng xử ngầm rất rõ ràng để cả Washington và Moscow tuân theo.
"Trong những năm đó, có một kênh liên lạc mà cả 2 nhà lãnh đạo đều tin tưởng. Giờ không còn kênh nào. Không ai cố tạo ra nó nữa. Những nỗ lực rụt rè của đôi bên ở giai đoạn đầu không mang lại nhiều kết quả", ông Lavrov nói.
Thay cho các quy tắc ngầm thời đó, ngày nay "các quy tắc là một từ thông dụng mà Mỹ và các đồng minh sử dụng khi họ yêu cầu phải ứng xử 'đẹp'". Họ không nhấn mạnh vào luật pháp quốc tế, nhưng lại tôn trọng "trật tự thế giới dựa trên quy tắc", trong khi những quy tắc này chưa từng được giải thích theo bất kỳ cách nào.
Ông Lavrov nói thêm là ngay lúc này, mọi người đang bị "bỏ bùa" rằn không nên để Thế chiến III nổ ra, đồng thời đổ thêm dầu vào lửa khi gửi vũ khí đến Ukraine và hy vọng kéo dài cuộc xung đột để Nga phải đổ máu.
(Theo TASS/RT)
>> Xem thêm: Anh ủng hộ Ukraine không kích lãnh thổ Nga để triệt đường hậu cần quân nhu