Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hiện đã bước sang ngày thứ 4 và bị các cường quốc phương Tây lên án. Các quốc gia phương Tây đã áp những lệnh trừng phạt với Nga và viện trợ Ukraine theo nhiều hướng. Tuy nhiên, việc đưa quân đội đến Ukraine lại là ranh giới mà Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây (không phải thành viên NATO) không muốn vượt qua.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói rằng chính quyền Biden "đã làm rõ' rằng Mỹ sẽ "không đặt chân lên đất" Ukraine. "Chúng tôi sẽ không để quân đội Mỹ gặp nguy hiểm", bà nói.
Nhưng còn yếu tố nào khác đang ngăn quân đội Mỹ tới Ukraine?
Tại sao Mỹ không đưa quân vào Ukraine?
Mặc dù Mỹ lên án hành động của Nga mọi lúc, mọi nơi nhưng Tổng thống Joe Biden đã cố gắng làm rõ rằng quân đội Mỹ sẽ không tới Ukraine và giao tranh trực tiếp với Nga. Tại sao? Như Biden đã nói với NBC trước đó: "Khi người Mỹ và Nga bắt đầu bắn nhau, đó sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới". Nói cách khác, việc Mỹ tham gia vào cuộc xung đột có thể dẫn tới chiến tranh toàn cầu.
Trung tướng Mark Hertling, một nhà phân tích quân sự và an ninh quốc gia của CNN nói rằng: "Chìa khóa của ngoại giao là hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh. Trong khi cuộc chiến tại Ukraine hiện tại rất hỗn loạn, tàn khốc thì nó vẫn chỉ là một cuộc xung đột khu vực".
"Nếu NATO hay Mỹ gửi quân đến Ukraine để giúp đánh Nga, động lực sẽ chuyển thành một cuộc xung đột đa quốc gia, với những tác động toàn cầu tiềm ẩn bởi vị thế hạt nhân của Mỹ và Nga. Do đó, Mỹ và NATO cũng như các nước khác trên toàn thế giới đang cố gắng giúp Ukraine và chống Nga bằng cách cung cấp những hình thức hỗ trợ khác", ông Hertling nói.
Quân đội Mỹ ở châu Âu thì sao?
Mỹ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ khắp châu Âu, cả trước và sau xung đột Nga - Ukraine. Theo CNN, có hơn 4.000 lính Mỹ được triển khai tạm thời tới châu Âu. Giờ đây, họ sẽ kéo dài thời gian làm nhiệm vụ để Mỹ trấn an các đồng minh Đông Âu trong thời gian khủng hoảng diễn ra.
Tuy nhiên, những binh sĩ này không ở đó để giao chiến với người Nga. Các lực lượng của Mỹ "hiện không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với người Nga tại Ukraine", ông Biden phát biểu hôm 24/2.
Thay vào đó, quân đội Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ "các đồng minh NATO và trấn an các đồng minh ở phía Đông. Như tôi đã nói rõ, Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của NATO bằng toàn bộ sức mạnh Mỹ có", ông Biden nói thêm.
Có kịch bản Mỹ giao chiến trực tiếp với Nga?
Ukraine có biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những nước này, Mỹ, cùng với Pháp, đỨc, Anh và phần còn lại của liên minh NATO (30 thành viên) sẽ đáp trả theo điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Điều 5 đảm bảo rằng các nguồn lực của toàn liên minh có thể được sử dụng để bảo vệ bất cứ quốc gia thành viên nào. Lần đầu tiên và duy nhất điều này được sử dụng đó là sau vụ tấn công 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Khi ấy, các đồng minh NATO đã cùng tấn công Afghanistan.
Liệu quân đội Mỹ có giúp tạo vùng cấm bay tại Ukraine?
Đại sứ Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẽ không đưa các phi công của họ tới Ukraine để tạo lập vùng cấm bay. Bà nói rằng quan điểm của chính quyền Biden là không để quân đội Mỹ tới Ukraine. Điều đó nghĩa là "chúng tôi cũng sẽ không đưa quân đội Mỹ đến không phận, nhưng chúng tôi sẽ giúp người Ukraine có khả năng tự vệ".
Trong khi một số quan chức Ukraine kêu gọi các nước NATO lập vùng cấm bay tại đây, điều này sẽ khiến Mỹ đối đầu trực tiếp với quân đội Nga. Đây là điều mà Nhà Trắng nói rõ là không muốn làm.
Cách Mỹ đang giúp Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 26/2 cho biết nước này đã hỗ trợ 350 triệu USD cho quốc phòng Ukraine. Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ 2 lần, mỗi lần 60 triệu và 250 triệu USD tương ứng cho Kiev.
Ngoài ra, ngày hôm qua, ông Blinken còn thông báo Mỹ đang gửi gần 54 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột.
Mỹ đã trừng phạt Nga như thế nào?
Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt rất nhiều lệnh trừng phạt lên Nga, nhắm vào ngành ngân hàng, hàng không vũ trụ và công nghệ. Những lệnh trừng phạt này nhắm vào:
- Đóng băng tài sản với những ngân hàng lớn nhất.
- Giới hạn về nợ và tài sản thuần đối với các công ty khai thác, vận tải và logistic quan trọng.
- Nỗ lực quy mô lớn để ngăn Nga truy cập vào các công nghệ quan trọng đối với lĩnh vực công nghiệp và quân sự chủ chốt.
Trước đó, Mỹ cùng Liên minh châu Âu, Anh, Canada tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Hôm 26/2, Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada đã thông báo trục xuất một số ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT, mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên toàn thế giới.
"Các biện pháp trừng phạt, phong tỏa, tác động kinh tế, xây dựng liên minh chống lại các hành động của Putin đồng thời cung cấp vũ khí cho Ukraine và các loại viện trợ khác hy vọng sẽ ngăn chặn được sự leo thang và những hậu quả không mong muốn trên toàn thế giới", bà Hertling nói.
(Theo CNN)
>> Xem thêm: EU muốn Ukraine gia nhập khối, tuyên bố 'sát cánh' buộc Nga phải trả giá