Hungary là quốc gia phản đối tiến trình thảo luận thông qua gió trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga của EU. Đến nay, các đại sứ của 27 quốc gia thành viên vẫn chưa thống nhất được các chi tiết của vòng trừng phạt mới.
Hungary phụ thuộc vào dầu của Nga từ một đường ống duy nhất và ông Orban đã cảnh báo rằng nước này không thể chấp thuận các biện pháp trừng phạt do EC đề xuất.
Sau cuộc họp, bà von der Leyen đã viết trên Twitter: "Cuộc thảo luận với Thủ tướng Viktor Orban rất hữu ích để làm rõ các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt và an ninh năng lượng". Theo đề xuất mới thì các quốc gia EU sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.
Hungary cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho các biện pháp trừng phạt được đề xuất bởi nó có tác động như một "quả bom nguyên tử" giáng lên nền kinh tế nước này, sẽ phá hủy "nguồn cung năng lượng ổn định" của họ.
Bà Von der Leyen và ông Orban đã thảo luận về vấn đề này buổi làm việc tại trụ sở chính của ông ở tu viện Carmelite cũ của Budapest. “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng cần phải làm việc thêm nữa,” bà nói. Người đứng đầu EC cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc gọi cầu truyền hình “với các công ty trong khu vực để tăng cường hợp tác khu vực về cơ sở hạ tầng dầu mỏ”.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cũng cho biết hai bên "đã đạt được tiến bộ" nhưng họ vẫn còn nhiều điều phải thảo luận để thay đổi lập trường của EU. “Chúng tôi không thể bắt người dân Hungary phải trả giá cho cuộc chiến này,” ông nói trong một video đăng trên Facebook.
Trước cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo, người phát ngôn quốc tế của ông Orban, Zoltan Kovacs, trích dẫn từ Szijjarto, đã so sánh gói trừng phạt này giống như một “quả bom nguyên tử” đối với nền kinh tế Hungary. “Hungary sẽ không bỏ phiếu cho sáng kiến của Ủy ban EU về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì nó đặt ra vấn đề cho Hungary và không có đề xuất giải pháp nào”, ông viết trên Twitter.
Các nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels đang bị kẹt trong những cuộc đàm phán về một loạt đề xuất trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Dự thảo do các chuyên gia của bà von der Leyen soạn ra nhưng một số quốc gia không ủng hộ, đặc biệt là Hungary.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech đã được đề nghị tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga cho đến cuối năm 2024, nhưng họ cũng muốn được giúp đỡ để đảm bảo nguồn dầu mới và trang bị lại các nhà máy lọc dầu của mình. Budapest muốn có 5 năm để tự cai dầu của Nga và sẽ cần một đường ống dẫn mới với Croatia, có đường dẫn ra biển.
Năm 2021, Nga cung cấp cho 27 thành viên của khối 30% lượng dầu thô và 15% sản phẩm dầu mỏ của họ.
(Theo AFP)
>> Xem thêm: Cấm vận dầu Nga: Hungary 'phũ' với EU vì không muốn nền kinh tế lãnh 'bom nguyên tử'