Tin mới

Trái đất đang 'ngạt thở' vì nồng độ CO2 đạt mức cao nhất lịch sử loài người

Thứ ba, 10/05/2022, 11:02 (GMT+7)

Dữ liệu mới cho thấy nồng độ carbon dioxide (CO2) của Trái đất đã đạt mức cao nhất được ghi nhận trong lịch sử loài người.

Vào tháng 4, lần đầu tiên mức CO2 trung bình hàng tháng vượt 420 phần triệu (ppm). Đây là mức cao nhất kể từ khi chúng ta đo được chính xác nồng độ CO2 cách đây 64 năm. Thậm chí, nồng độ còn lên tới 421,33 ppm vào một ngày tuần trước khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng cao trên khắp thế giới.

Các dữ liệu được thu thập từ đài quan sát trên đỉnh núi cho thấy năm ngoái là năm đầu tiên CO2 trong khí quyển vượt mức trước Cách mạng Công nghiệp hơn 50%. Thời bấy giờ, tháng có nồng độ cao nhất là tháng 5, với 419,13 ppm, trong khi 20 năm trước, tháng cao nhất trong năm là 375,93 ppm.

Năm 1958 khi các nhà khoa học bắt đầu thu thập dữ liệu CO2 tại Mauna Loa, tháng cao nhất trong năm chỉ có 317,51 ppm. Mức CO2 dao động quanh năm, trong đó cao nhất vào khoảng cuối mùa xuân. Ở bắc bán cầu, khi mùa hè đến, thực vật sinh sôi nảy nở nên nồng độ CO2 trong không khí giảm xuống.

CO2 trong khí quyển là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.

NOAA cho biết CO2 hiện đang tăng nhanh hơn khoảng 100 lần so với các giai đoạn khác trong lịch sử địa chất. Mặc dù đại dịch Covid-19 toàn cầu năm 2020 đã khiến các nhà máy phải đóng cửa trên toàn cầu nhưng lượng khí thải CO2 cũng không vì thế mà giảm đi.

Trái đất đang 'ngạt thở' vì nồng độ CO2 đạt mức cao nhất lịch sử loài người
Trái đất đang 'ngạt thở' vì nồng độ CO2 đạt mức cao nhất lịch sử loài người

Mặc dù Trái đất chứng kiến lượng khí thải CO2 tăng đột biến trong thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng những phân tích gần đây cho thấy thế giới hiện đại còn tồi tệ hơn. "Thật dễ dàng để quên mức độ phát thải nhiên liệu hóa thạch đang ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta nhanh tới mức nào", Giáo sư Simon Lewis đến từ ĐH College London cho biết. "Phải mất hơn 200 năm để tăng 25% lượng CO2 trong khí quyển và chỉ 30 năm để đạt 50% so với mức tiền công nghiệp. Sự thay đổi mạnh mẽ này giống như một thiên thạch của loài người đang va vào Trái đất".

CO2 làm tăng tốc độ nóng lên của hành tinh vì nhiều carbon hơn trong khí quyển nghĩa là lượng nhiệt có thể thoát ra sẽ ít hơn, hành tình ngày càng nóng hơn.

Các phép đo CO2 liên tục trên đỉnh Mauna Loa do nhà khoa học Charles David Keeling thuộc Viện Hải dương học Scrips thực hiện. Kể từ năm 1974, các phép đo này được bổ sung thêm quan sát độc lập do những nhà nghiên cứu từ NOAA thực hiện.

Theo nhà khí hậu học Pieter Tans của NOAA, những phát hiện này cho thấy việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phá rừng các hoạt động khác dẫn đến phát thải carbon phải là ưu tiên hàng đầu để tránh "thảm họa biến đổi khí hậu". Tiến sĩ Tans cho biết: "Chúng ta đang thêm khoảng 40 tỷ tấn khí carbon dioxide ô nhiễm vào không khí mỗi năm. Đó là một núi carbon mà chúng ta đào từ Trái đất, đối cháy và thải vào khí quyển dưới dạng CO2 qua mỗi năm".

Ông nói thêm rằng carbon dioxide là loại khí nhà kính dồi dào nhất do con người gây ra và nó có thể tồn tại trong khí quyển và đại dương hàng nghìn năm.

Theo các nhà khoa học, lượng carbon hiện có trong bầu khí quyển của Trái đất bằng với lượng carbon đã từng được thấy cách đây khoảng 4,1-4,5 triệu năm, trong thời kỳ thế Pliocene. Vào thời điểm này, mực nước biển cao hơn ngày nay 24m trong khi nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 3,9 độ C so với trước Cách mạng Công nghiệp.

Trên thực tế, nhiệt độ quá ấm nên những khu vực như Bắc cực, lãnh nguyên cằn cỗi ngày nay khi ấy đều có rừng bao phủ.

(Theo Dailymail)

>> Xem thêm: 20 điểm đến đẹp lạ trên Trái đất khiến bạn không tin vào mắt mình

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news