Gạo là loại lương thực chính của chúng ta, vì vậy hầu hết người Việt Nam đều biết nấu cơm. Khi nấu cơm tại nhà, bạn đã từng trải qua những lần nấu chưa chín, quá chín, quá cứng, quá nhão hay thậm chí là cơm khê, vậy mới biết nấu được nồi cơm hoàn hảo khó khăn như thế nào. Hạt gạo dường như cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ sai lầm nào. Chọn nồi quá nhỏ, quên vo gạo, mở nắp kiểm tra liên tục, đảo gạo khi nấu... đều có thể dẫn tới một nồi cơm dở. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn mẹo nấu cơm ngon:
Cách nấu cơm ngon
1. Vo gạo
Vo gạo sẽ loại bỏ tinh bột thừa trên bề mặt hạt gạo, khiến gạo dính vào nhau và nhão. Một số người dùng rá vo gạo nhưng cách hiệu quả nhất là cho nước vào nồi rồi vo, sau đó chắt nước đi. Gạo trắng bình thường chỉ cần vo từ 1-2 lần.
2. Bỏ nước vào nồi
Nếu có thời gian, bạn hãy ngâm gạo trong 30 phút để gạo nở đều trong quá trình nấu. Có rất nhiều cách để đong nước nấu cơm, trong đó cách huyền thoại là đo đốt ngón tay (Dàn đều gạo trong nồi, dùng ngón tay đo chiều cao của gạo. Sau đó, để ngón tay trên bề mặt gạo rồi đổ nước đúng bằng chiều cao gạo đã đo được).
Nguyên tắc nấu cơ bản là số bát gạo = số bát nước thêm 1/2 chén.
Những người đã nấu thành thạo thì họ có thể ước lượng được lượng nước phù hợp với lượng gạo. Gạo cũ sẽ cần nhiều nước hơn gạo mới.
3. Nấu cơm theo quy trình
Sau khi đã vo gạo, thêm nước, bạn dùng giẻ khô lau sạch bên ngoài nồi. Đặt lòng nồi vào thân nồi, xoay nhẹ để đáy nồi tiếp xúc với mâm điện. Đóng nắp, cắm điện và nhớ bật chế độ nấu.
4. Ủ cơm từ 5-10 phút
Sau khi nấu xong, nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ ủ ấm. Bạn hãy ủ cơm từ 5-10 phút để cơm khô bề mặt, chín đều.
5. Bí kíp để cơm dẻo thơm, bảo quản được lâu
Thêm giấm: Sau khi vo gạo xong, hãy cho một thìa cà phê giấm vào nồi (giấm táo hoặc giấm trắng đều được). Điều này có vẻ khác thường nhưng axit của giấm giúp phá vỡ nhiều tinh bột bên trong gạo, giúp mỗi hạt gạo đều hấp thụ nhiều chất lỏng hơn. Từ đó cơm của bạn sẽ dẻo và ngon hơn, bảo quản được lâu. Cách này cực hữu ích nếu bạn nấu gạo lứt.
Thêm muối: Bạn có thể thêm 1/2 đến 1 thìa cà phê muối vào trong gạo sau khi vo sạch. Hoặc bạn cũng có thể thêm một chút bơ vào đó. Muối sẽ ức chế vi sinh vật phát triển, làm giảm ảnh hưởng của các enzyme gây hỏng cơm. Tất nhiên, vị mặn của muối sẽ giúp cơm thêm đậm đà.
Lưu trữ và hâm nóng cơm
Nếu không được xử lý đúng cách, cơm có nguy cơ phát triển vi khuẩn gây hại, khiến bạn bị bệnh. Vì vậy, đừng bỏ qua những bước lưu trữ sau:
- Cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Đừng để cơm ở nhiệt độ phòng quá lâu vì đây là nhiệt độ mà vi khuẩn có hại có thể sinh sôi.
- Bảo quản trong hộp kín tối đa 4 ngày.
- Hâm nóng cơm cho đến khi hơi nóng.
- Không hâm nóng cơ nhiều lần.
- Cơm đông lạnh rất tốt. Bạn có thể đông lạnh cơm trong hộp đựng thức ăn hoặc trong túi cấp đông. Một số người thêm ít nước khi hâm nóng lại cơm đông lạnh vì lúc này cơm sẽ khô hơn một chút so với gạo tươi.
Tăng thêm hương vị cho món cơm
Ngoài việc thêm 2 thành phần là giấm và muối vào cơm để món ăn thêm ngon, bạn có thể áp dụng thêm nhiều bí quyết khác để tăng hương vị, chẳng hạn như:
- Dùng nước dùng gà hoặc nước luộc rau để nấu cơm.
- Xào một củ hành tây thái nhỏ hoặc 2 tép tỏi rồi bỏ vào gạo nấu cùng.
- Dùng dầu hoặc bơ, xào gạo cho đến khi vàng trước khi đổ nước vào nấu cơm.