Mối đe dọa kép đối với những người sống phụ thuộc vào con sông dài 138km xảy ra khi Indonesia đang vật lộn để ngăn chặn dịch Covid-19. Hiện nước này đang có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á. Trong tuần qua, Indonesia cũng ghi nhận gần 3.000 ca Covid-19 mới.
Khi virus lây lan, rác thải y tế chất thành đống tại bãi rác Cipeucang của Tangerang. Sau đó, vào tháng 5, núi rác sụp đổ, đẩy hàng tấn rác thải thẳng xuống dòng sông Cisadane.
"Thành thật mà nói tôi vẫn lo lắng, nhưng vẫn phải giặt giũ ở đây", cư dân Eka Purwanti, 36 tuổi nói với Reuters khi đang giặt đồ dưới sông còn bọn trẻ chơi trên bờ. "Tôi hy vọng sẽ không có gì xảy ra mặc dù biết đây là căn bệnh chết người".
Giống như các quốc gia trên thế giới, Indonesia đã chứng kiến đại dịch làm gia tăng lượng rác thải y tế rất lớn. Đây là vấn đề gây lo ngại tại nhiều nơi, từ Tây Ban Nha cho đến Thái Lan, Ấn Độ.
Trong những tháng kể từ khi bãi rác trên sụp đổ, Ade Yunus, người sáng lập Ngân hàng Rác sông Cisadane đã tiến hành làm sạch lòng sông. "Lần đầu tiên chúng tôi phát hiện rác thải y tế là sau trận sạt lở", Yunus nói, cúi xuống nhặt một ống tiêm và cất vào hộp an toàn. "Ban đầu, chúng tôi tìm thấy khoảng 50-60 thứ mỗi ngày".
Bộ Y tế Indonesia thừa nhận vấn đề. Họ cho biết 1.480 tấn rác thải y tế Covid-19 đã được thải ra trên khắp đất nước từ tháng 3 đến tháng 6 và thừa nhận nước này thiếu các cơ sở xử lý. Tuy nhiên họ nói đang nghiên cứu giải pháp. "Một quy định mới vừa được thông qua, bao gồm các hướng dẫn về xử lý rác thải y tế tại mọi cơ sở y tế", quan chức của bộ, ông Imran Agus Nurali nói.
>> Xem thêm: Tổng thống Trump đang giấu báo cáo động trời về đại dịch Covid-19
Hầu hết các cơ sở y tế tại Indonesia, kể cả bệnh viện hiện đang phụ thuộc vào bên thứ 3 để đốt chất thải. Vụ sạt lở đã khiến các chuyên gia y tế cộng đồng lo lắng. Rác thải y tế có thể làm lây lan dịch bệnh và những cộng đồng ven sông là gặp nguy cơ cao nhất.
"Nếu chất thải y tế này lan tràn trong khu dân cư gần sông thì nó có thể gây ô nhiễm nguồn nước mà nhiều người gần đó sử dụng", Mahesa Paranadipa Maikel, một nhà dịch tễ học từ Hiệp hội Y tế Luật Indonesia cho biết. "Nó có thể làm lây lan Covid-19".
Những người dân sống ven sông cũng thừa nhận: "Tôi lo bọn trẻ có thể bị nhiễm Covid-19 khi bơi ở đó. Đó là lý do tôi luôn cấm chúng bơi dưới sông", Astri Dewiyani, một cư dân ven sông Cisadane nói.