Đến giờ, y tá Bangkok Kanjana Kamoun vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh không nguôi. Ngay cả khi số ca mắc mới đang chậm lại tại Thái Lan (đất nước đầu tiên báo cáo ca nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc), các bác sĩ, y tá nơi đây vẫn căng thẳng. "Thỉnh thoảng, khi tôi thức dậy và thấy cổ họng đau, tôi cảm thấy lo lắng và tự hỏi liệu mình có mắc sai lầm khi làm việc không", Kanjana, 36 tuổi nói với Reuters. "Tất cả những gì tôi có thể làm là nghĩ tôi đã làm hết sức".
Từ ngày 9/3, Bệnh viện King Chulalongkorn Memorial ở Bangkok đã điều trị cho gần 200 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các nhân viên y tế ở đây đã tự hào rằng họ không mất đi một ai. "Tôi không muốn ai chết, tôi chỉ muốn mọi người khỏe hơn", Tatsanee Onthong, một trong những y tá tại Đơn vị Chăm sóc Tích cực nói.
Bệnh viện rất chú trọng đến việc ngăn ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế. Các bệnh nhân đến đây lần đầu chỉ gặp bác sĩ qua màn hình. Mọi tư vấn đều được thực hiện từ xa. ICU nằm sau 2 lớp kính. Mỗi bệnh nhân nằm một phòng và chỉ có bệnh nhân rất nặng mới được vào căn phòng đó. "Nó đòi hỏi 5-6 nhân viên y tế và mỗi lần đều mặc rất nhiều đồ bảo hộ cá nhân", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Opaa Putcharoen nói. "Nó khiến chúng tôi lo lắng rằng nếu có nhiều ca nặng thì chúng tôi sẽ dùng nhiều tài nguyên và tăng nguy cơ lây nhiễm".
Nhưng, không giống như ở Trung Quốc hay các nước châu Âu và Mỹ, khoa cấp cứu tại Thái Lan không bao giờ bị quá tải bệnh nhân Covid-19. Và số ca nhiễm đang từ từ giảm dần. Ngày 27/4, Thái Lan báo cáo 9 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới giảm xuống 1 chữ số kể từ ngày 14/3. Mặc dù phát hiện các ca Covid-19 sớm nhất bên ngoài Trung Quốc, Thái Lan chỉ báo cáo 2.931 trường hợp, đứng thứ 58 thế giới. Cả nước có 52 ca tử vong, 2.609 bệnh nhân đã hồi phục.
Onthong nhớ lại một bệnh nhân nhập viện khi bất tỉnh. Người này đã cao tuổi, có bệnh nền và cơ hội rất mong manh. "Thế nhưng dần dần bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn và hồi phục. Điều đó đã tiếp thêm tinh thần để tôi tiếp tục chiến đấu", cô nói.