Sau khi trải qua gần 3 tuần trong phòng chăm sóc tích cực vì Covid-19, diễn viên truyền hình người Canada Nick Cordero đã buộc phải cưa chân phải. Lưu lượng máu của người đàn ông 41 tuổi này đã bị cản trở bởi một cục máu đông - một biến chứng nguy hiểm khác của Covid-19, căn bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Chắc chắn, cái gọi là "huyết khối tĩnh mạch" xảy ra vì nhiều lý do ở những bệnh nhân phải chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 gặp tình trạng này cao hơn nhiều.
Bác sĩ Shari Brosnahan, một người có thâm niên 40 năm làm việc trong ICU cho biết những người có cục máu đông có nguy cơ phải cưa chân, tay nhưng tỷ lệ ở người nhiễm Covid-19 còn cao hơn. Một trong những bệnh nhân bị thiếu máu đến cả 2 chân và tay. Bà dự đoán việc cưa cụt là điều cần thiết, bằng không những mạch máu có thể bị tổn thương đến mức tứ chi tự bị cụt. Các cục máu đông không chỉ gây nguy hiểm cho các chi mà còn có thể tới phổi, tim hoặc não. Tại đây, chúng có thể gây tắc mạch phổi, đau tim và đột quỵ dẫn đến chết người.
Một bài báo gần đây của Hà Lan đăng trên tạp chí Thrombosis Research cho thấy 31% trong số 184 bệnh nhân bị biến chứng huyết khối. Con số này "cao đáng kể" theo lời các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ phải cắt chân, tay là rất hiếm.
Behnood Bikdeli, một bác sĩ tại Bệnh viện New York-Presbyterian đã tập hợp một nhóm các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu vấn đề này. Phát hiện của họ được đăng trên tạp chí The American College of Cardiology. Các chuyên gia nhận thấy rủi ro lớn đến nỗi bệnh nhân Covid-19 "có thể phải dùng thuốc làm loãng máu, phòng ngừa, điều trị dự phòng" ngay cả trước khi làm xét nghiệm hình ảnh.
Một bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Reuters
Những người nhiễm Covid-19 nặng thường có những bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tim hoặc phổi, bản thân các bệnh này liên quan đến tỷ lệ đông máu cao hơn. Tiếp theo, bệnh nhân được điều trị tích cực có khả năng bị đông máu bởi họ đã ở yên quá lâu. Đó là lý do tại sao mọi người lại được khuyến khích kéo dãn cơ thể và di chuyển trên những chuyến bay đường dài. Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 có liên quan đến một phản ứng miễn dịch gọi là "bão cytokine". Một số nghiên cứu chỉ ra phản ứng này liên quan đến tỷ lệ đông máu cao hơn. Cũng có thể chính bản thân virus gây ra sự đông máu, điều này từng có tiền lệ trong các bệnh do virus khác gây ra. Một bài báo đăng trên tạp chí The Lancet tuần trước cho thấy virus có thể lây nhiễm vào lớp trong tế bào các cơ quan và mạch máu, gọi là lớp nội mạc. Về lý thuyết, điều này có thể can thiệp vào quá trình đông máu.
Theo Brosnahan, trong khi các chất làm loãng như Heparin có hiệu quả ở một số bệnh nhân, chúng lại không có tác dụng với tất cả bệnh nhân khi các cục máu đông quá nhỏ. "Có quá nhiều microclot (cục máu đông siêu nhỏ), chúng tôi không biết chính xác chúng ở đâu", bà nói. Khám nghiệm tử thi cho thấy phổi của một số người chứa hàng trăm microclot.
Cecilia Mirant-Borde, một bác sĩ chăm sóc tích cực tại một bệnh viện cựu quân nhân ở Manhattan, Mỹ nói rằng phổi chứa đầy những microclot giúp giải thích tại sao máy thở lại hoạt động kém đối với những bệnh nhân thiếu oxy trong máu.
Trước đó, trong đại dịch này các bác sĩ đã điều trị cho những bệnh nhân này theo phác đồ dành cho hội chứng suy hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không phải vì phổi bệnh nhân bị nước xâm chiếm mà vì các cục máu đông siêu nhỏ chặn lưu thông và máu rời khỏi phổi với lượng oxy ít hơn bình thường.
Chưa đầy 5 tháng kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc và các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm tác động của nó mỗi ngày. "Chúng tôi đã phản ứng ngạc nhiên, nhưng lẽ ra chúng tôi không nên ngạc nhiên như vậy. Virus có xu hướng làm những điều kỳ lạ", bác sĩ Brosnahan nói. Mặc dù có hàng loạt biến chứng có vẻ đáng ngại nhưng có thể có một hoặc một vài cơ chế thống nhất để mô tả thiệt hại. "Có thể tất cả đều giống nhau và có cùng giải pháp".