Theo Bảo tàng Hồ Nam, vào khoảng năm 1958 - 1959, khi một người nông dân ở huyện Ninh Hương, Hồ Nam, Trung Quốc đi đào đất vô tình tìm thấy một chiếc phương đỉnh bằng đồng nhưng chỉ có ba chân trụ, bề ngoài có khắc hình mặt người kỳ lạ ở cả bốn phía.
Phương đỉnh vốn có hình chữ nhật hoặc hình vuông, có bốn chân và hai quai xách ở hai bên. Đây là vật phổ biến vào thời nhà Thương và nhà Chu, thường được sử dụng như một dụng cụ thực hiện các nghi lễ quan trọng của triều đình xưa. Những món đồ này chủ yếu được làm bằng đồng cao cấp.
Vào thời điểm đó, "Chiến dịch luyện thép quốc gia" ở Trung Quốc đang nở rộ nên nhiều người dân đã quyên tặng những món đồ không dùng đến để đem đi tái chế. Nghĩ là làm, nông dân này bèn đem chiếc phương đỉnh đào được gửi đến kho phế liệu. Tại đây, các nhân viên chuyên môn sẽ phân loại đồ đồng và sau đó phân phối cho các nhà máy luyện kim tương ứng.
May mắn thay, các nhân viên của Bảo tàng tỉnh Hồ Nam được phái đến kho đồng phế liệu để lựa chọn di vật văn hóa đã kịp thời phát hiện chiếc phương đỉnh đặc biệt này từ một kho vật liệu tái chế và đem về nghiên cứu. Do chiếc phương đỉnh bị vỡ thiếu mất một chân nên nhân viên đã giao cho nhân viên phục chế, thay thế bằng một chiếc "chân trụ giả". Điều kỳ diệu là hai năm sau, các nhân viên đã tìm được phần chân trụ bị mất. Sau khi chiếc phương đỉnh được phục hồi hoàn thiện đã được đem trưng bày ở Bảo tàng Hồ Nam.
Theo CCTV, đây là phương đỉnh bằng đồng có hoa văn mặt người có từ thời nhà Thương. Đây cũng là phương đỉnh duy nhất được tìm thấy ở Trung Quốc có hoa văn mặt người. Cụ thể, phương đỉnh này cao 38,5 cm, chiều dài miệng là 29,8 cm và chiều rộng là 23,7 cm. Chiếc phương đỉnh có màu xanh xám, hình chữ nhật, phận miệng rộng hơn đáy, hai quai xách khá dày, bốn chân trụ có họa tiết hình thế.
Đồ đồng của thời Thương, Chu thường được trang trí hình mặt động vật, trong khi mặt người thì hiếm và quý hơn. Chiếc phương đỉnh này càng đặc biệt hơn khi bốn mặt của chúng đều được khắc khuôn mặt người giống hệt nhau. Từ góc độ hình thức nghệ thuật, chiếc bình này sử dụng các kỹ thuật trang trí lặp đi lặp lại và đối xứng, với bố cục chặt chẽ và sự kết hợp giữa các hoa văn hiện thực và trừu tượng.
Nếu quan sát kỹ, có thể phát hiện, ngoài nét mặt, khuôn mặt con người còn có sừng ở hai bên trán và móng vuốt ở hai bên cằm, là một khuôn mặt "nửa người, nửa thú". Trong số các vật tổ thời tiền sử, hình tượng nửa người nửa thú là biểu hiện phổ biến nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, các chuyên gia suy đoán rằng khuôn mặt của con người này có thể là một trong những vị thần tổ tiên huyền thoại của một dân tộc nào đó hoặc một anh hùng của một bộ tộc nào đó trong thời phong kiến.