Nghiên cứu nhỏ của Trung Quốc đã giúp trả lời cho câu hỏi một người nhiễm Covid-19 hồi phục sẽ mang kháng thể chống lại lần nhiễm trùng tiếp theo trong bao lâu. Hiện tại, người ta không biết kháng thể kéo dài bao lâu hoặc liệu một người có tái nhiễm hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh vẫn cần phải làm thêm nghiên cứu để xem điều này có nghĩa như thế nào đối với khả năng miễn dịch trong tương lai của bệnh nhân.
Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, đến nay đã có hơn 3,7 triệu ca Covid-19 trên toàn thế giới. Mỹ là nước có nhiều ca nhiễm nhất. Tờ Newsweek dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh vẫn chưa biết liệu người nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh thì có miễn dịch lâu dài hay không. Điều này đặt ra trở ngại cho các nhà khoa học đang cố gắng chế tạo vắc xin.
Trong nghiên cứu mới nói trên, các nhà khoa học tại ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh đã thu thập mẫu máu của 14 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện sau khi xét nghiệm âm tính với virus. 8 bệnh nhân mới được xuất viện và 6 bệnh nhân đã rời bệnh viện từ 2 tuần trước khi được lấy máu.
Để xem liệu bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu phản ứng miễn dịch hay không so với người chưa mắc bệnh, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng các nhóm đối chứng. Họ đã đánh giá mẫu máu của 3 người khỏe mạnh được hiến trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra và 3 người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong nghiên cứu. Họ cũng sử dụng huyết thanh từ những người hiến khỏe mạnh tại Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2 loại miễn dịch. Môt loại liên quan đến việc tạo ra kháng thể, loại còn lại tập trung quanh những tế bào đặc biệt để chống lại kẻ xâm lược. Họ phát hiện được cả 2 loại kháng thể ở những bệnh nhân mới xuất viện. Điều đó cho thấy cơ thể đã sử dụng cả 2 hệ thống miễn dịch để chiến đấu với Covid-19. Tất cả những bệnh nhân mới xuất viện và đã ra viện được 2 tuần đều có kháng thể đặc biệt với SARS-CoV-2, nhưng nhóm đối chứng thì không.
Nhóm nghiên cứu cho biết các bệnh nhân duy trì nồng độ của một trong hai loại kháng thể trong ít nhất 2 tuần sau khi không còn virus. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lấy kháng thể từ bệnh nhân và phát hiện ra 13 mẫu trong số này đã vô hiệu hóa một phiên bản SARS-CoV-2 giả trong phòng thí nghiệm. "Những phát hiện này cho thấy hầu hết bệnh nhân sau khi xuất viện đều nhiễm SARS-CoV-2 vô hiệu hóa trong huyết thanh", nhóm nghiên cứu nói.
Như vậy, nghiên cứu này cũng khẳng định một lần nữa huyết thanh của bệnh nhân dường như ngăn chặn được SARS-CoV-2 từ các tế bào xâm lấn. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận kết quả này cần được chứng minh bằng những nghiên cứu lớn hơn. Họ cũng tin đây sẽ là bệ phóng cho việc phát triển vắc xin Covid-19.