Uganda ngày 10/1 đã chấm dứt đợt đóng cửa trường học lâu nhất thế giới, yêu cầu hàng triệu học sinh trở lại lớp học sau gần 2 năm gián đoạn. Được biết, khoảng 15 triệu học sinh Uganda đã không đi học kể từ tháng 3/2020 khi các trường học đóng cửa do Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục John Muyingo cho biết tất cả học sinh sẽ học tiếp các lớp mà các em đã dừng lại. "Tất cả các trường học đã thực hiện hướng dẫn và quy trình hoạt động tiêu chuẩn để đảm bảo đưa trẻ trở lại trường một cách an toàn. Các biện pháp đã được đưa ra để đảm bảo không có ai không tuân thủ", ông nói. Ông Muyingo cho biết bất cứ trường tư thục nào thu học phí cao hơn mức trước đại dịch đều sẽ bị xử phạt.
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã dỡ bỏ phần lớn các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 tại nước này từ tháng 9/2021 nhưng vẫn để trường học đóng cửa. Vào tháng 10/2021, ông thông báo các trường học sẽ mở cửa vào đầu năm nay dù tỷ lệ tiêm chủng trong nước vẫn ở mức thấp.
Ngày hôm qua, việc đưa trẻ em trở lại trường đã làm tắc nghẽn giao thông ở thủ đô Kampala. Các nhóm bảo vệ quyền trẻ em đã chỉ trích quyết định đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trường học của Uganda trong 83 tuần, lâu hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Uganda ghi nhận 153.762 ca nhiễm Covid-19 và 3.339 ca tử vong, theo thống kê mới nhất của chính phủ ngày 7/1. Cho đến nay, người dân nước này vẫn không ủng hộ việc tiêm chủng dù Tổng thống Museveni tuyên bố "hiện đã tiêm được 4,7 triệu liều vaccine" và dự kiến đến cuối năm sẽ tiêm được 23 triệu liều nữa.
Những học sinh đã làm các công việc chân tay để hỗ trợ gia đình vượt qua đại dịch và có thể không quay trở lại trường nữa. Nhiều học sinh khác thì lo lắng không thể bắt kịp bài vở đã bỏ lỡ.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học đã gia nhập thị trường lao động để làm các công việc như khai thác mỏ, bán hàng rong và trồng mía. Theo Cơ quan Kế hoạch Quốc gia, có tới 30% học sinh dự kiến không đi học lại do mang thai, tảo hôn và tham gia lao động. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết có tới 1/5 trẻ nhỏ ở những quốc gia nghèo, trong đó có UGanda đã bỏ học do tình trạng đói nghèo gia tăng, nạn tảo hôn và lao động trẻ em ngày càng trầm trọng sau đại dịch.
(Theo Aljazeera)
>> Xem thêm: Cập nhật lịch học mới nhất 63 tỉnh thành: Hà Nội điều chỉnh lịch học