Bộ Y tế Thái Lan đảm bảo họ có kế hoạch đối phó với lượng rác thải lây nhiễm ngày càng tăng trong đại dịch. Ngoài việc kêu gọi các hộ gia đình phân loại rác đúng cách, cơ quan này đang có kế hoạch ký hợp đồng với các cơ sở xử lý rác thải công nghiệp để giúp họ xử lý rác.
Có thể thấy hàng núi những chiếc túi màu đỏ chứa rác lây nhiễm từ bệnh viện và các cơ sở cách ly khác nhau lấp ló sau các công nhân tại cơ sở xử lý chất thải của Tổ chức Hành chính tỉnh Nonthaburi (PAO) ở huyện Sai Noi. Một công nhân tại cơ sở này cho biết cảnh tượng này rất đáng quan ngại. Đống rác hiện nặng khoảng 500 tấn đang lớn lên mỗi ngày vì lò đốt tại địa phương không thể xử lý kịp lượng chất thải ngày càng tăng. Người dân trong khu vực và các công nhân cơ sở lo về viễn cảnh bùng dịch do núi rác chứa mầm bệnh được buộc không đúng cách.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA), khoảng 38% tổng số chất thải ô nhiễm do chính quyền Bangkok và các tỉnh lân cận thu gom có dấu vết của Covid-19 trong đó. Giám đốc Nonthaburi PAO, Thongchai Yenprasert, cho biết khoảng 30 tấn chất thải lây nhiễm được thu gom mỗi ngày từ hơn 500 bệnh viện, phòng khám và các cơ sở y tế khác trong tỉnh. Tuy nhiên, lò đốt chất thải lây nhiễm của tỉnh chỉ có công suất đốt khoảng 16 tấn/ngày.
"Chúng tôi hiện đang phối hợp với Sở Y tế để tìm ra giải pháp. Nhưng hiện tại, chỉ rác thải lây nhiễm từ trong tỉnh mới được xử lý tại lò đốt của Nonthaburi PAO, như một biện pháp ngắn hạn", ông Thongchai nói.
Suwannachai Wattanayingcharoenchai, Tổng giám đốc Sở Y tế, cho biết Nonthaburi không phải là tỉnh duy nhất đang phải vật lộn với sức nặng của chất thải lây nhiễm. Các tỉnh khác như Ayutthaya, Rayong và Ubon Ratchathani cũng đã chứng kiến các lò đốt bị quá tải do rác thải chứa vật liệu sinh học ngày càng tăng nhanh cần được xử lý.
Theo dữ liệu của bộ, khoảng 100 tấn chất thải lây nhiễm được thu gom trên khắp Bangkok mỗi ngày. Tuy nhiên, các lò đốt của thành phố chỉ có khả năng xử lý 70 tấn mỗi ngày.
"Chúng tôi đã nghe nói rằng trong tháng 7, trung bình 273 tấn được thu gom mỗi ngày. Các cơ sở quản lý chất thải trên toàn quốc chỉ có thể xử lý 275 tấn mỗi ngày, vì vậy tình hình không khả quan lắm", TS. Suwannachai nói. Ông đổ lỗi cho sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 đột biến trong thời gian gần đây làm tăng lượng rác thải y tế.
Đồng thời, ông Suwannachai trấn an người dân không cần lo lắng về vấn đề này vì bộ đã chuẩn bị kế hoạch cho tình huống này. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với Vụ Hoạt động Công nghiệp để lựa chọn các công ty quản lý chất thải công nghiệp có lò đốt chất thải đáp ứng tiêu chuẩn cao của Bộ Y tế để xử lý lượng chất thải dư thừa".
"Chúng tôi cũng có kế hoạch giảm thiểu chất thải lây nhiễm tại nguồn bằng cách khuyến khích các bệnh viện, cơ sở y tế và bệnh nhân cách ly tại nhà phân loại chất thải y tế của họ và khử trùng chúng bằng thuốc tẩy, có thể tiêu diệt vi rút Covid-19 và hầu hết các mầm bệnh, trước khi xử lý".
Ông cũng cho biết Thái Lan có một hệ thống quản lý chất thải lây nhiễm tốt, giúp đảm bảo rằng người lao động và người dân địa phương được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm ngẫu nhiên.
Chất thải y tế được cho vào hai túi nhựa không thấm nước trước khi đưa qua các lò đốt đặc biệt để tránh rò rỉ và ô nhiễm. "Trừ khi túi bị hư hỏng, không có khả năng mầm bệnh từ túi chất thải lây nhiễm rò rỉ. Hơn nữa, chất thải được lưu trữ xa khu dân cư", ông nói thêm.