Để giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về nghề tiếp viên hàng không, mới đây, Trần Phương Ly - Tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Airlines (VNA), căn cứ tại Đà Nẵng đã có một bài viết dài trên trang cá nhân.
Phương Ly cho biết tiếp viên hàng không là nghề mà bản thân ao ước làm từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, khi lên đường sang Úc du học, nhìn thấy các anh/chị tiếp viên diện đồng phục, khát khao của cô càng trở nên mãnh liệt.
"Vậy là mình bắt đầu dành thời gian lên mạng tìm hiểu về những điều kiện cần và đủ để trở thành tiếp viên hàng không, tự trau dồi, bổ sung những kiến thức cần thiết cho bản thân.
Khi tốt nghiệp đại học ở Úc xong, mình quyết định về nước để theo đuổi công việc mà mình mơ ước, bay cho hãng hàng không mà mình trót yêu", tiếp viên trưởng VNA chia sẻ.
Sau thời gian rèn luyện vào trau dồi với bao khó khăn vất vả, đến năm ngoái, Phương Ly đã lên chức tiếp viên trưởng. Cô tiết lộ đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà ngay cả bản thân không dám tưởng tượng.
Tuy nhiên, điều kiện để có được vị trí bao người ao ước ấy cũng chẳng hề dễ dàng. Bạn sẽ phải đáp ứng loạt yêu cầu khắt khe như tốt nghiệp Đại Học, điểm Toeic từ 600 trở lên, bay ở vị trí tiếp viên hạng thương gia hơn 1.500 giờ, vượt qua được kì thi nâng bậc...
Ngoài ra, bạn phải qua vòng phỏng vấn và kì thi, tiếp viên còn phải tiếp tục huấn luyện ở Trung tâm huấn luyện bay (FTC), bay thực tập 4 chuyến (quốc nội, quốc tế ngắn, đường trung, đường dài) dưới sự kèm cặp của các tiếp viên trưởng kì cựu.
Sau cùng là chuyến bay final check dưới sự đánh giá của đánh giá viên. Đạt hết những điều trên thì mới chính thức được phê duyệt làm Tiếp viên trưởng.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi bạn đã có vị trí thì nghề này lại mang lại thu nhập khiến nhiều người mơ ước. Phương Ly không ngần ngại cho hay, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, mức lương của tiếp viên trưởng từ dao động từ 400k đến hơn 500k/giờ bay tuỳ theo cấp bậc. Mỗi tháng bay không quá 100 giờ. So với mặt bằng chung, mức lương này có thể nói là bằng một nhân viên văn phòng làm việc cả ngày dưới mặt đất.
Tuy nhiên, để vượt qua giai đoạn khó khăn do tình hình dịch bệnh, toàn bộ cán bộ công nhân viên nơi cô làm việc tự nguyện nhận mức lương thấp hơn và luân phiên nghỉ không lương.
"Người ta nói tiếp viên hàng không không chỉ là một nghề, tiếp viên hàng không còn là một phong cách sống chắc chẳng sai. Chúng mình may mắn được du lịch nhiều nơi, được trải nghiệm và học hỏi nhiều điều mới lạ.
Nếu ai đó nói Ly giàu, Ly xin phép được đồng ý, Ly cảm thấy mình giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề, giàu tri thức và những trải nghiệm mà nghề đem lại cho mình", Phương Ly trải lòng.
Được biết, ngoài mức lương Phương Ly tiết lộ, tiếp viên hàng không còn được nhận nhiều phụ cấp chẳng hạn như: Phụ cấp giờ bay; Phụ cấp chặng bay; Thưởng thành tích; Phụ cấp tiền ăn; Phụ cấp trang điểm; Phụ cấp điện thoại...
Ngoài ra, các tiếp viên hàng không còn có công tác phí có thể lên đến: 2,000,000 đến 10,000,000 VND
Như vậy, đối với các bạn bay main base ở Sài Gòn mức lương thông thường khoảng 23,000,000 VND (tương đương 1000 USD), còn đối với các bạn đi tranfer các base khác mức lương dao động có thể lên đến 30 – 38 triệu VND. Còn tiếp viên trưởng sẽ khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Trước đó, trong một clip, cơ trưởng Quang Đạt cũng gây chú ý khi hé lộ nhiều bí mật về nghề phi công như cần đạt tiếng Anh Ielts từ 5.5 đến 7.5, chi phí học khá cao khoảng 60 nghìn USD (1,4 tỷ đồng), thu nhập khởi điểm tối thiểu trên 2 nghìn đô (gần 50 triệu đồng)…