Các quan chức tại thành phố Gia Hưng cho biết những người dân từ 18-59 tuổi có "nhu cầu khẩn cấp" có thể đến các phòng khám để được tư vấn tiêm loại vắc xin của Sinovac Biotech này. Vắc xin đã được nhà chức trách phân phối cho các nhóm nhân viên y tế.
Tuy nhiên, tuyên bố từ trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Gia Hưng, Chiết Giang lại không nêu rõ "nhu cầu khẩn cấp" ở đây là gì. Nhà chức trách cũng không nói rõ có bao nhiêu người trong thành phố đã được tiêm vắc xin. Loại vắc xin này có 2 liều, được tiêm cách nhau 28 ngày và có giá 400 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng).
Theo các quan chức, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin cho hàng nghìn công nhân các ngành thiết yếu tại các cảng, bệnh viện và những khu vực có nguy cơ cao trên toàn đất nước. Thế nhưng, ngay cả khi 11 loại vắc xin của Trung Quốc được đưa vào thử nghiệm lâm sàng (4 loại đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm nâng cao) thì vẫn chưa có vắc xin nào được chấp thuận để phân phối trên thị trường.
Trung Quốc đang liều mình để giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu về chế tạo vắc xin chống Covid-19 trong khi tìm cách hồi phục sau thảm họa y tế công cộng và kinh tế.
Bắc Kinh đã chấp thuận một số ứng viên vắc xin để sử dụng khẩn cấp khi các quan chức không nhận thấy những phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Họ cũng đưa ra những dự đoán táo bạo về việc triển khai rộng rãi hơn trước cuối năm khi đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về việc xử lý ổ dịch trong giai đoạn đầu.
>> Xem thêm: Xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới, Trung Quốc xét nghiệm toàn bộ thành phố 9 triệu dân
Tại một cuộc họp báo hồi tháng trước, các quan chức y tế nước này cho biết Trung Quốc hy vọng có thể sản xuất được 610 triệu liều vắc xin vào cuối năm, nhấn mạnh thuốc sẽ có giá cả phải chăng. Trước đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố vắc xin Covid-19 của nước này sẽ trở thành "hàng hóa chung toàn cầu".
Trung Quốc đã đăng ký tham gia một cuộc đấu thầu do WHO đứng đầu để đảm bảo vắc xin Covid-19 trong tương lai được phân phối cho các nước đang phát triển. Bắc Kinh không đưa ra chi tiết về số tiền họ cam kết cho thỏa thuận này. Theo mục tiêu thì cần gây quỹ 2 tỷ USD và cung cấp vắc xin cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong tương lai.