Vào năm 1770, những người sống tại khu vực Đông Á đã nhìn thấy bầu trời chuyển sang màu đỏ thẫm trong hơn một tuần. Sự kiện này đã được các tài liệu cổ ghi lại. Giờ đây, các nhà khoa học đã phân tích sự kiện lịch sử và cho rằng màu đỏ đó là do một cơn bão mặt trời khổng lồ gây ra. Sự kiện này có thể là vụ nổ mặt trời lớn nhất trong lịch sử được ghi lại.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chứng kiến bầu trời đỏ thẫm trong 9 ngày vào cuối thế kỷ 18. Các nhà nghiên cứu từ ĐH Osaka đã khai quật được các tài liệu mới cho thấy hiện tượng này có thể bắt nguồn từ một cơn bão địa từ. Tiến sĩ Hisashi Hayakawa, người đứng đầu cuộc nghiên cứu nói với tờ Live Science: "Các tài liệu lịch sử có thể cho chúng ta dõi theo hoạt động của mặt trời trong hàng thiên niên kỷ".
Trước đây, sự kiện "Carrington" - bão mặt trời năm 1859 được coi là chuẩn mực cho những cơn bão mặt trời khổng lồ. Để giải đáp bí ẩn 300 năm tuổi, các nhà nghiên cứu đã xem xét các ghi chép lịch sử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từ thế kỷ 18 để xem liệu có đề cập đến cực quang hay không.
Họ cũng đã xem xét hồ sơ từ các nhiệm vụ của Thuyền trưởng James Cook trên tàu HMS Endeavour cũng như các bản vẽ vết đen mặt trời từ thời kỳ này của nhà nghiên cứu thiên văn người Đức Johann Caspar Staudacher.
Sau khi xem xét cẩn thận 111 tài liệu cổ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra lần xuất hiện ở châu Á này có những đốm mặt trời lớn gấp đôi so với các vết đen được quan sát trong sự kiện Carrington.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, các tác giả nghiên cứu cho biết: "Các hình vẽ từ năm 1770 cho thấy diện tích các vết đen lớn gấp đôi diện tích dược quan sát thấy trong cơn bão mặt trời năm 1859. Điều này chứng minh hoạt động bất thường của cơn bão năm 1770".
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy cực quang được các thủy thủ trên tàu HMS Endeavour nhìn thấy ở gần đảo Timor, Đông Nam Á. Bởi các cực quang xảy ra ở vĩ độ thấp, nó chứng tỏ cơn bão địa từ gây ra chúng rất mạnh.
Họ tin rằng ánh sáng màu đỏ như máu kỳ lạ có thể là do "một số cấu trúc từ tính khổng lồ phóng ra liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn vào không gian liên hành tinh. Điều này dẫn đến cực quang ngoạn mục trên toàn thế giới vào giữa tháng 9/1770".
Trước đây, sự kiện được cho là kéo dài hơn 2 ngày nhưng các bằng chứng mới cho thấy nó lâu hơn rất nhiều, hơn một tuần. Bầu trời đỏ đậm trong 9 ngày lập kỷ lục mới về cực quang địa từ vì sự kiện Carrington được cho là kéo dài tối đa 4 ngày.
Không giống như lóa mặt trời (solar flare) di chuyển với tốc độ ánh sáng từng phát ra và đến Trái đất trong khoảng 8 phút, bão mặt trời là sự kiện lớn hơn. Nó là những đám mây các hạt từ tính đang giãn nở được phóng vào không gian và mất từ 1-3 ngày để đến Trái đất.
(Theo Dailymail)