(Tinmoi.vn) Tờ Asahi của Nhật Bản đưa tin, ngay từ đầu năm 2014, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã quyết định đặt giàn khoan trên Biển Đông, bất chấp những căng thẳng ngoại giao đã được dự báo trước đó.
Asahi dẫn lời một nhà nghiên cứu cho hay, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) không đơn lẻ đưa ra quyết định đặt giàn khoan. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã phê chuẩn việc khoan dầu trên Biển Đông từ đầu năm nay. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lường trước được động thái này sẽ khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng trong khu vực sẽ trở nên xấu đi.
Theo nhà nghiên cứu này, CNOOC đã yêu cầu khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Quân đội Trung Quốc, nhóm luôn tìm cách tăng cường lợi ích quốc gia, ủng hộ lời kêu gọi của CNOOC.
Theo Yi Xianliang, Phó tổng giám đốc bộ phận ranh giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc , Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở vùng biển tranh chấp khoảng một thập kỷ trước .
Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu khí cho rằng những hoạt động trước đây đơn giản chỉ là tham gia khảo sát địa chất.
Một trong những yếu tố dẫn đến quyết định đặt giàn khoan trái phép trong Biển Đông là sự hiện diện của quân đội Trung Quốc đang tăng lên ở Biển Đông, cũng như nhận thức Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và lợi ích hàng hải cũng ngày càng cao, mà một phần nguyên nhân là do tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku.
Tàu Trung Quốc bên giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh hiện nay của Bắc Kinh là mâu thuẫn giữa các quan chức trong Bộ Thương mại và Ngoại giao. Các quan chức Bộ Ngoại giao luôn tìm cách xây dựng một môi trường bên ngoài ổn định, cần thiết cho phát triển kinh tế. Các quan chức trong Bộ này lo ngại rằng mối quan hệ với Mỹ và các nước ASEAN sẽ xấu đi nếu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong Biển Đông, do đó, họ giữ lập trường khá thận trọng về vấn đề này.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc chưa thể làm được gì vì nước này chưa đủ kỹ thuật để khoan dầu tại vùng nước sâu gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2008, CNOOC đã rót 983 triệu USD để sản xuất các thiết bị khoan tại vùng biển sâu.
Tháng 5/2011, các thiết bị này được hoàn tất. Dự án giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) được thực hiện CNOOC và một công ty Canada. Theo một quan chức phía công ty Canada, giàn khoan đã được hoàn thành vào cuối năm 2013 và bắt đầu sản xuất khí đốt vào tháng 3/2014.
Ngày 2/5, CNOOC của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa của Việt Nam, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới.
Động thái di chuyển giàn khoan một cách trái phép tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ít chú ý đến dư luận quốc tế và ngang ngược hành động nhằm đặt mưu đồ kiểm soát hiệu quả Biển Đông dựa trên cơ sở và lợi ích riêng của mình.
Từ năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các công ty dầu khí nhà nước lớn của Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài. Họ luôn sẵn sàng tiến hành khai thác nguồn tài nguyên trong Biển Đông mà Trung Quốc cho rằng thuộc nguồn lợi ích hợp pháp của họ.
Theo Asahi, chính quyền tịch Tập Cận Bình đang đi theo xu hướng thiết lập cho Trung Quốc cái gọi là "quyền lực hàng hải, hướng tới gia tăng ảnh hưởng và mở rộng lợi ích quốc gia trong khu vực Biển Đông và Hoa Đông.
Yên Yên (Theo Asahi)