(Tinmoi.vn) Tại cuộc gặp với lãnh đạo các hãng thông tin hàng đầu thế giới tại St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố như vậy Nga và Trung Quốc không làm bạn với nhau để chống lại bất kỳ ai. Các chuyên gia cũng nhận định Nga cần môi trường hòa bình trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tờ Tiếng nói nước Nga dẫn lời Tổng thống Putin trả lời các đại diện truyền thông Nhật bản cho hay: “Cả tôi và Chủ tịch Tập Cận Bình không làm bạn với nhau để chống lại bất cứ ai. Nga có mối quan hệ riêng với Nhật Bản, Trung Quốc có mối quan hệ của họ”.
Ông Putin nhấn mạnh, tuyệt đối phản tác dụng khi đối chiếu các mối quan hệ của Nga và bất cứ quốc gia, kể cả Trung Quốc, với sự phát triển quan hệ với các nước thứ ba.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Khoa Đông phương học Đại học Quốc gia Saint Pererburg, nhận định rằng, những lời nói này của Tổng thống Nga cũng áp dụng được cho các mối quan hệ Nga - Trung Quốc - Việt Nam.
Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp với lãnh đạo các hãng thông tin hàng đầu thế giới tại St Petersburg
“Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, hai nước lớn nhất thế giới có cách tiếp cận chung về phần lớn các vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta, là một trong những nền tảng của việc xây dựng trật tự thế giới an toàn hơn và công bằng hơn. Phần nhiều nhờ sự tham gia của Nga và Trung Quốc vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của các quốc gia Trung Á. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Nga, hai nước đang thực hiện các đề án đầu tư chung quy mô lớn", ông Kolotov bày tỏ.
Với Việt Nam, Nga cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đối với Nga, Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á, sự hỗ trợ của ASEAN. Hai nước đang phát triển quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật và năng lượng. Cần lưu ý rằng, đối với Việt Nam, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, Bắc Kinh và Hà Nội hợp tác chặt chẽ ở cấp nhà nước và đảng”.
Tất nhiên, Moscow rất lo lắng trước những diễn biến có thể xảy ra từ những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam - hai đối tác chiến lược chính của Nga ở miền Đông Bắc và Đông Nam Á. Việc đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây ra làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt ở các nước khác.
Theo Giáo sư Kolotov, Trung Quốc đang tập trung nỗ lực nhằm mở rộng sự hiện diện ở vùng biển Hoa Nam nằm trong “đường lưỡi bò”. Trong tương lai, hành động này của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Philippines, Malaysia và Brunei, điều đó cũng sẽ gây ra phản ứng chống Trung Quốc và chắc sẽ tác động tiêu cực đến hình ảnh của Trung Quốc và thái độ đối với đường lối chính trị của Bắc Kinh ở các quốc gia láng giềng. Các nước Đông Nam Á sẽ không chấp dự án của Trung Quốc độc quyền khai thác tài nguyên của Biển Đông. Đặc biệt là, những chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý cho việc này hoàn toàn không rõ ràng, thuyết phục.
Các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực khó có thể đối phó với Trung Quốc, kết quả là sẽ tăng cường liên minh chống Trung Quốc trong ASEAN, và liên minh này sẽ tìm kiếm các đối tác trên trường quốc tế mà trước tiên sẽ là Hoa Kỳ. Washington sẵn sàng hỗ trợ hành động chống Trung Quốc ở các nước vừa và nhỏ trong khu vực. Đến nay, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên lãnh thổ từ Nhật Bản đến Úc. Như mọi người đều hiểu, hệ thống này không nhằm chống lại Bắc Triều Tiên như Mỹ tuyên bố mà nhằm chống lại Bắc Kinh. Trong điều kiện hiện nay, sự hiện diện của Mỹ sẽ gia tăng, họ sẽ tăng cường hợp tác quân sự - kỹ thuật với các nước vừa và nhỏ trong khu vực.
Lối thoát duy nhất khỏi cuộc xung đột này là bắt đầu cuộc đàm phán có chú ý đến lợi ích của tất cả các bên. Hai quốc gia chủ quyền - Trung Quốc và Việt Nam - có đủ khả năng giảm nhiệt trong sự đối đầu và tìm lối thoát. Cần phải thể hiện ý chí chính trị và nhận thức rõ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.
Yên Yên (TH)