Theo CGTN, ngày 29/6, sau khi kết thúc 72 giờ vận hành thử nghiệm, công trình thủy điện Ô Đông Đức đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành con đập lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn thứ bảy thế giới. Ô Đông Đức được thiết kế với 12 tổ máy. Năng lực vận hành của toàn bộ dự án là hơn 10 gigawatt, với mỗi tổ máy có công suất hơn 850.000 kilowatt.
Nhà máy đặt trên dòng sông Kim Sa, thượng nguồn sông Trường Giang, tại ranh giới tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc. Theo Reuters, Ô Đông Đức là một trong các siêu đập thủy điện thuộc dự án phát triển Vành đai Kinh tế Sông Trường Giang, cùng với các nhà máy điện Tam Hiệp, Bạch Hạc Than và Khê Lạc Độ. Khoảng 32.000 cư dân đã phải di dời để xây hồ trữ nước cho đập Ô Đông Đức, có sức chứa 7,4 tỷ m3.
Đập thủy điện này có chiều cao 270 m, vượt trội so với dự án đập Tam Hiệp là 181 m. Dự án được khởi công từ năm 2015.
Đập Ô Đông Đức là công trình thủy điện đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xi măng nhiệt thấp.
Công nghệ này cho phép các kết cấu bằng bê tông chống nứt vỡ, chống chịu mài mòn vật lý và ăn mòn hóa học tốt hơn so với xi măng thông thường. Xi măng nhiệt thấp cũng giúp công trình ít chịu ảnh hưởng từ sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm vốn rất cao ở khu vực.
Trong ngày 30/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc chính thức vận hành đập Ô Đông Đức và kêu gọi các doanh nghiệp nước này nỗ lực hơn để đưa nền công nghiệp năng lượng lên một tầm cao mới.
Theo Tân Hoa Xã, tổng vốn đầu tư đập Ô Đông Đức là 120 tỷ nhân dân tệ (gần 17 tỷ USD). Đây là một trong 6 dự án thuộc bậc thang thủy điện ở trung và thượng nguồn sông Dương Tử do Tập đoàn Tam Hiệp Trường Giang (Trung Quốc) xây dựng.