Nờ Ô Nô chiếm "spotlight" vì clip miệt thị người nghèo, khẳng định không thể bị tẩy chay
Những ngày qua, Nờ Ô Nô trở thành tâm điểm bị dư luận lên án vì đăng tải clip miệt thị người nghèo. Cụ thể, trong series mang tên: "Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó", Tiktoker này đã trao suất ăn cho 1 cụ già vô gia cư. Mọi chuyện sẽ không có gì để bàn nếu Nờ Ô Nô không có những câu nói bị cho mang tính khinh thường, thiếu tôn trọng người lớn tuổi như “Hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”…
Sau khi đăng tải, clip trên nhanh chóng nhận "bão" phẫn nộ từ netizen, đặc biệt là giới nghệ sĩ. Lê Thúy, Masew, Trung Quân Idol, Hứa Kim Tuyền… đồng loạt phản đối hành động đi ngược đạo đức của Nờ Ô Nô. Ngoài ra, họ thông báo từ chối mua, sử dụng dịch vụ hay hợp tác với những người từng làm việc với TikToker này.
Trên mạng xã hội, hashtag tẩy chay Nờ Ô Nô xuất hiện dày đặc và trở nên thịnh hành. Dưới sức ép dư luận, chiều 26/11, Nờ Nơ Nô đã gửi lời xin lỗi trên 1 livestream. Nờ Ô Nô thẳng thừng tố những TikToker khác lên tiếng về sự việc của anh là "ké fame", cố tình "dìm" mình, ghen ăn tức ở... Cuối cùng, anh chàng hùng hổ tuyên bố: "Không thể nào tẩy chay được Nờ Ô Nô.
Nờ Ô Nô không phải là TikToker đầu tiên...
Vụ việc như Nờ Ô Nô không hiếm trên mạng xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Còn nhớ vào năm 2021, một TikToker gây phẫn nộ khi gọi tên những cô nàng có vòng 1 khiêm tốn vào Top 3 kiểu con gái không nên yêu. Không chỉ nằm ở việc thể hiện sự thiếu tôn trọng, clip còn là biểu hiện cho hình thức body shaming người khác được "đội lốt" dưới dạng một sản phẩm làm ra chỉ để… cho vui.
Hàng loạt chủ đề như tình một đêm, review sai sự thật, ăn mặc hở hang, phát ngôn gây sốc, xúi dục làm trò độc hài... mọc "nhan nhản" như nấm sau mưa khiến không ít người dùng phải đau đầu. Việc trục lợi để hái ra tiền bằng tương tác của người xem cũng dần trở nên phổ biến, thậm chí trở thành "tôn chỉ" để nhóm người có sức ảnh hưởng này hoạt động.
Đến khi bị cư dân mạng phản đối, các TikToker chọn cách xoá video, xin lỗi cho qua chuyện, đưa ra hàng loạt lý do "chỉ làm cho vui", "nội dung mang tính chất giải trí", "mọi người suy nghĩ quá tiêu cực"... J4F là hashtag được các TikToker mang ra để trá hình cho những content bẩn của mình. Những nội dung mang tiếng nêu lên quan điểm cá nhân nhưng trực tiếp làm hại người khác, không mang đến tiếng cười mà lại gây phản cảm.
Cái giá phải trả đã đủ đắt?
Nhìn lại vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô, ở thời điểm hiện tại, anh đang đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh chưa từng có. Trao đổi với VietNamnet, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết đã ghi nhận vụ việc và đang tiến hành xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Phía Tiktok cũng có câu trả lời tương tự và cho biết đang xem xét các báo cáo người dùng về tài khoản này.
Trả lời Infonet, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, miệt thị người nghèo, coi thường người khác thì sẽ bị xã hội cười chê, lên án. Đây cũng là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng năm 2018. Tùy vào mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, tài khoản TikTok Hoàng Minh cũng từng bị xử phạt 10 triệu đồng do do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử theo điểm a, khoản 1, Điều 101 NĐ15/CP. Nam TikToker này từng sử dụng tài khoản của mình để chê bai người dân miền Trung. Cư dân mạng cho rằng, Hoàng Minh kỳ thị vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết...
Bao giờ "dọn sạch" rác mạng xã hội
Đó là câu hỏi của nhiều người dùng trước vấn nạn "content rác" lộng hành trên không gian mạng. Rõ ràng chế tài xử lý đã được đưa ra, nhiều tấm gương cũng được chỉ rõ... tuy nhiên một bộ phận người sáng tạo nội dung vẫn bất chấp, cố tình đi trái nhằm thu về lợi ích bản thân.
Ở thời điểm hiện tại, người dùng đã tỉnh táo hơn để không tự "đầu độc chính bản thân mình". Báo cáo, tẩy chay, chặn, hủy theo dõi... đó là những thao tác mà ai ai cũng có thể làm khi phải chứng kiến những nội dung vô bổ, nhảm nhí.
Ảnh: Internet