Các quan chức Philippines giờ lại phải đi "dọn dẹp" những thiệt hại sau khi Tổng thống của họ, ông Rodrigo Duterte, nói liên minh lâu dài với Mỹ đã đến lúc chấm dứt.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez nói với đài CNN rằng nước này "sẽ không ngừng thương mại và đầu tư với Mỹ".
"Ông Duterte đã quyết định tăng cường hơn và nhóm lại quan hệ với Trung Quốc cũng như các quốc gia khu vực ASEAN", ông Lopez nói.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố "chia tay" Mỹ của ông Duterte đã gây sốc trên toàn quốc.
Trước mặt các lãnh đạo doanh nghiệp tại Bắc Kinh hôm 20/10, ông Duterte tuyên bố: "Mỹ giờ đã thất bại. Tôi đã sắp xếp lại bản thân trong tư tưởng của các bạn. Và có lẽ tôi cũng sẽ tới Nga để gặp ông Putin, nói với ông ấy rằng có 3 nước chống lại vấn đề thế giới là Trung Quốc, Philippines và Nga. Đó là cách duy nhất".
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Tổng thống tại Manila, bà Maria Banaag nói rằng có sự nhầm lẫn trong chính phủ về những gì ông Duterter định nói. "Chúng tôi không muốn giải thích những tuyên bố của Tổng thống", bà Banaag nói với phóng viên.
"Những câu nói gây phiền phức"
Philippines là đồng minh chính của Mỹ tại khu vực và Washington đã hỗ trợ những nỗ lực của cựu Tổng thống Benigno Aquino để được quốc tế công nhận yêu sách của Manila đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã chỉ trích những bình luận của ông Duterte là "tạo ra điều không xác thực không cần thiết".
"Chúng tôi đã thấy nhiều câu nói gây phiền phức kiểu như thế này trong thời gian gần đây, chúng không giải thích được sự chênh lệnh giữa mối quan hệ ấm áp tồn tại giữa nhân dân Philippines và Mỹ với sự hợp tác quan trọng giữa chính phủ 2 nước", phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ Molly Koscina nói.
Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết an liên minh và những nghĩa vụ trong hiệp ước, hy vọng Philipines cũng làm vậy, bà nói thêm.
Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của tòa quốc tế có lợi cho Manila thời gian gần đây, từ lâu đã kêu gọi đàm phán song phương và đề nghị các bên không liên quan đứng ngoài.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ca ngợi thiện trí của ông Duterte để giải quyết "tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng những biện pháp hòa bình... thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán trực tiếp bởi những quốc gia có chủ quyền liên quan".
"Có lẽ ông ấy đùa"
Hơn 2,6 triệu người Philippines đang sống tại Mỹ.
Thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Philippines lên đến 18 tỷ USD hồi năm ngoái. Mỹ cũng chiếm gần 1/3 trong số 17,6 tỷ USD mà người Philippines làm việc tại nước ngoài gửi về nước trong năm ngoái.
Tại Manila, nhiều người đã sốc khi đón thông tin trên.
"Có lẽ ông ấy đùa", nhân viên bán hàng tên Marisa Laguitan, 59 tuổi, nói với CNN.
"Mỹ rất thân thiện và là một người bạn lâu dài của Philippines".
Một nhân viên chăm sóc khách hàng đã bày tỏ lo lắng về tác động mà động thái này có thể gây ra cho ngành công nghiệp của cô ấy. "Điều gì sẽ xảy ra nếu các BPO (Gia công quy trình kinh doanh) biến mất khỏi Philippines? Chúng tôi sẽ mất việc", cô nói.
Hơn 1 triệu người Philippines đang làm việc tại cac trung tâm chăm sóc khác hàng và xử lý dữ liệu, phục vụ chủ yếu cho Mỹ. Chính phru dự kiến thị trường này có thể tạo Doanh thu lên đến 25 tỷ USD trong năm nay.
Duterte "ảo tưởng"
Ông Lopez, bộ trưởng thương mại Philippines đã bác bỏ những lo ngại rằng sự thay đổi của ông Duterte sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước.
"Những gì chúng ta đang nói sẽ phụ thuộc rất ít vào một phía", ông nói với CNN.
"Như các bạn biết, chúng tôi có quan hệ đối tác khăng khít với Mỹ, vậy nên về cơ bản chỉ là cố gắng cân bằng quan hệ đối tác này và đồng thời tăng cường với phía bên này của thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc".
Ông Duterte nói mình đang theo đuổi một Chính sách đối ngoại độc lập và "có chủ quyền nhiều hơn" và quan hệ Mỹ - Philippines đã vững mạnh, "không thể loại bỏ".
Tuy nhiên, những người đối lập với ông trong nước lại chỉ trích điều đó.
"Ông ta thật tự mãn, nếu không muốn nói là ảo tưởng khi nghĩ bản thân như một người hùng ngang với lãnh đạo Nga, Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Leila De Lima, người chỉ trích tổng thống từ lâu nói.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cũng đã cảnh báo về việc thân thiết với một quốc gia như Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila vốn không chung "những giá trị cốt lõi về dân chủ và tôn trọng nhân quyền", ông nói.
"Vứt bỏ một đồng minh đáng tin từ lâu để vọi vàng ôm lấy một hàng xóm hung hăng, kịch liệt bác bỏ luật pháp quốc tế thì vừa không khôn ngoan, vừa không thể hiểu nổi”, ông tuyên bố.
Bảo Linh (CNN)