Lập nghiệp với hai bàn tay trắng ở xứ người, không ít người Việt đã trở thành những tỷ phú, gặt hái nhiều thành công, được cả thế giới biết đến và nể trọng.
Tỷ phú Hoàng Kiều
Vào trung tuần tháng 9/2014, tỷ phú Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều mới lọt vào top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes với giá trị tài sản gần 2,8 tỷ USD.
Với tổng giá trị tài sản chạm mốc 2,8 tỷ USD đã đưa ông Hoàng Kiều xếp hạng thứ 633 trong top 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tài sản được thống kê của vị tỷ phú Mỹ gốc Việt này chủ yếu đến từ 183,6 triệu cổ phần của ông tại tập đoàn Shanghai RAAS - một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm về huyết tương dùng cho ngành y dược đặt trụ sở tại Trung Quốc, tương đương 37% cổ phần của công ty.
Tỷ phú Hoàng Kiều
Tỷ phú Hoàng Kiều sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị trong một gia đình Nho giáo.
Hiện, vị tỷ phú đang sống tại Los Angeles của Mỹ nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Ít ai biết được rằng ông Hoàng Kiều chính là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi hoa hậu Thế giới đến Nha Trang.
Năm 2007, khi Miss World đến Trung Quốc và “lọt vào mắt xanh” ông Hoàng Kiều, vị đại gia này đã nghĩ tới chuyện đưa người đẹp thế giới về Việt Nam để tổ chức thi với mục đích Từ thiện.
Để thực hiện cho ước nguyện này, ông đã không ngần ngại chi ra số tiền lên đến 500 triệu USD để mua đất, xây dựng các hạng mục công trình, resort để phục vụ cuộc thi Hoa hậu thế giới. Tuy nhiên, dự định không thành công, ông chuyển nhượng lại công ty cho một người em họ, chính thức rút chân hoàn toàn khỏi việc kinh doanh tại Việt Nam.
Tỷ phú Chính E.Chu – em rể ca sĩ Cẩm Ly
Chính E. Chu, em rể của nữ ca sĩ Cẩm Ly là một doanh nhân nổi tiếng. Trong giới đầu tư tài chính Mỹ, cái tên Chính E.Chu là một cái tên vô cùng quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến mọi người phải kiêng nể.
Tỷ phú Chính Chu bên vợ - ca sĩ Hà Phương
Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).
Hiện tại Chính E.Chu đang là quản lý cấp cao của tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ). Ông sở hữu trong tay số tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Biệt tài mà mọi người nhớ tới ông chính là khà năng "đạo diễn" hàng loạt vụ thương thuyết cho Blackstone. Nhiều người nói đùa rằng "không có thương vụ nào tuột khỏi tay Chính E.Chu".
Bằng khả năng của mình, Chính E.Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty... thu lại khoản lợi nhuận vô cùng béo bở và trở thành một cái tên khiến phố Wall phải nể trọng.
Tỷ phú Phạm Đình Nguyên
Cách đây 2 năm (năm 2012), ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), đã mua lại thị trấn Buford thuộc bang Wyoming nằm ở miền Trung nước Mỹ với giá 900.000 USD trong một vụ đấu giá căng thẳng.
Tỷ phú Phạm Đình Nguyên
Sau thương vụ nổi tiếng này, ông lại gây "náo loạn" báo giới khi công bố quyết định đổi tên thị Trấn Thành Buford PhinDeli. Động thái này đi cùng với việc ông Nguyên cho ra mắt sản phẩm cà phê thuần Việt thương hiệu PhinDeli ngay trên thị trấn này.
Giữa tháng 6/2014, nghĩa là khoảng một năm sau ngày ra mắt PhinDeli, ông Nguyên đã công bố quyết định bán phần không nhỏ công ty cà phê này cho Tập đoàn Kinh Đô với tỷ lệ cao.
Trả lời về vấn đề liệu bán công ty PhinDeli có đồng nghĩa với việc bán thị trấn, ông Nguyên trả lời: "Tôi đâu có ý định bán thị trấn của mình. Còn việc Kinh Đô sở hữu PhinDeli thì là có, tỷ lệ sở hữu là hơn 50%. Tôi không thể công bố chính xác, nhưng chẳng có gì là chi phối cả. Chúng tôi có những hợp đồng ngay từ đầu về sự hợp tác của hai bên. Kinh Đô có kênh phân phối tốt, PhinDeli thì có sản phẩm tốt và tiềm năng".
Jenny Tạ
Rời quê hương khi mới 6 tuổi cùng anh trai và người mẹ đơn thân nghèo, nước Mỹ trong mắt Jenny Tạ vào những tháng ngày đầu tiên là khu bán đồ cũ tại Salvation Army hay Thrifty, nơi mẹ cô thường dẫn các con đến mua sắm.
Năm 25 tuổi, cô lập Vantage Investments nhưng nhanh chóng thua lỗ, phải vay 100.000 USD của mẹ để vực dậy công ty. Công việc kinh doanh của Jenny Tạ xoay chiều chỉ sau 2 tháng, đến năm 1999, cô đủ tiền trả cho mẹ cả gốc và lãi.
Năm 2001, Jenny Tạ bán Vantage Investments, thu về khoản lời hàng triệu USD. 3 năm sau, cô tiếp tục điều hành chứng khoán Titan, chuyên về tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập, và rồi lại bán công ty này với mức giá mà Jenny từng thừa nhận là “không thể chối từ”. Tổng số tài sản ở hai công ty của Jenny Tạ lúc này lên tới 250 triệu USD.
Rời nghiệp chứng khoán, Jenny Tạ bắt tay vào xây dựng một công ty chuyên về truyền thông Sqeeqee.com. Đây là công ty đầu tiên trên khai sinh khái niệm “Social Networthing” – một công ty giúp mọi người kết nối và kiếm lợi nhuận. Giá trị của Sqeeqee hiện ước tính lên tới cả tỷ USD.
Bảo An (tổng hợp)