Chính quyền tỉnh An Huy hôm 19/7 cho biết nước lũ đã làm vỡ con đê bảo vệ thị trấn Cố Trấn và khiến cư dân khu vực này bị mắc kẹt. Wang Qingjun, bí thư đảng ủy Cố Trấn nói với Tân Hoa xã rằng nước lũ tại khu vực đã dâng cao hơn 3m.
Truyền thông nhà nước đưa tin khoảng 1.500 lính cứu hỏa đã nhanh chóng tới giải cứu những người bị kẹt tại tỉnh. Khu vực này đã trải qua nhiều tuần mưa lớn khiến cuộc sống của hơn 3 triệu người bị gián đoạn.
Tại tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân chuẩn bị sơ tán do nguy cơ vỡ đập. Chính quyền Châu tự trị Miêu Ân Thi Thổ Gia cho biết một trận lở đất dọc sông Thanh Giang đã làm tăng nguy cơ vỡ đập ở đó.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cảnh báo mưa lớn dọc sông Hoàng Hà và Hoài Hà sẽ còn xảy ra trong 3 ngày tới. Tại tỉnh Giang Tây, ông Xu Yongxiang, 45 tuổi nói với truyền thông rằng làng Liufang của ông đã không có nước hay điện trong gần một tuần. "Chúng tôi chẳng có nổi một tấc đất khô. Chỗ nào cũng bị ngập rồi", ông cho biết.
Tuần trước, đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang đã mở 3 cửa xả lũ khi mực nước sau đập dâng cao hơn mực nước lũ 15m. Lượng mưa bổ sung đã gây thêm áp lực cho con đập này.
>> Xem thêm: Mưa lớn dồn dập 2 tháng, 3 sông lớn của Trung Quốc cảnh báo lũ và siêu lũ
Tân Hoa xã cho biết tốc độ dòng chảy trong hồ sẽ đạt kỷ lục vào tối 17/7 ở mức 55.000 m3/giây. Dòng chảy đạt đỉnh 61.000 m3/giây vào ngày 18/7 trước khi giảm xuống còn 46.000 m3/giây tối chủ nhật (19/7).
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng con đập khổng lồ ổn định trong bối cảnh lũ lụt và hoạt động của nó vẫn "an toàn". "Đập Tam Hiệp không quá mong manh như một số người nghĩ... nó đã ngăn được lũ lớn", Tập doàn Tam Hiệp Trung Quốc, cơ quan vận hành con đập tuyên bố. "Những suy đoán không có dữ liệu giám sát khoa học là vô trách nhiệm và không chuyên nghiệp, hoặc là có động cơ thầm kín phía sau".
Có ít nhất 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong trận lụt kể từ đầu tháng 6. Hơn 150.000 ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính khoảng 9 triệu USD.
>> Xem thêm: Hơn 30.000 dân cổ trấn Trung Quốc chạy lụt giữa đêm
Ngày 19/7, một con đập ở AN Huy đã bị cho nổ để xả lũ xuống hạ lưu. Đập Wangjiaba của tỉnh nằm trên sông Hoài Hà đã mở 13 cửa xả lũ vào ngày 20/7, làm ngập đất trồng và rừng để ngăn thiệt hại lây lan về phía hạ lưu.
Lũ lụt theo mùa tấn công nhiều vùng rộng lớn của Trung Quốc hàng năm, đặc biệt là miền trung và miền nam, nhưng tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng do mưa lớn. Gần đây, Trung Quốc trải qua trận lụt thiệt hại nặng nhất là năm 1998, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy, chủ yếu là dọc sông Dương Tử.