-
Pouria Nor Mohammad Maurad, một trong hai người Iran mang hộ chiếu giả lên chuyến bay MH370. Ảnh: Sina
14h: Hai máy bay tuần thám CASA đã quay về Lữ đoàn Không quân 918 sau 5 tiếng tìm kiếm.
13h47: Theo tienphong sáng nay, một máy bay của Vietnam Airline bay qua khu vực Huế đã nhận được một tín hiệu SOS, tại vị trí lệch về phía Bắc sân bay Phú Bài. Sau đó thông tin được thông báo tới các máy bay qua khu vực. Nhưng các máy bay sau đó qua khu vực này đã không tiếp nhận thêm được tín hiệu nào. Hiện tín hiệu này vẫn đang được kiểm tra.
Trong sáng nay, các máy bay Việt Nam đã bay tổng cộng 8 lượt ra khu vực tìm kiếm, đồng thời 9 tàu đã tham gia tìm kiếm, nhưng chưa thu thập được thông tin gì khả quan về máy bay mất tích.13h: Hình ảnh từ "Mắt thần Biển Đông" CASA thu được tại nơi tìm kiếm máy bay mất tích.
Hình ảnh được máy bay CASA 801 phát hiện lúc 10h53 phát hiện tại tọa độ 7độ 59'17"-103độ 103'44'05"
12h45: Thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, trong sáng nay, Trung Quốc đã xin phép được điều thêm 1 máy bay từ Hải Nam xuống khu vực tìm kiếm, và hiện phía Việt Nam đã cho phép máy bay này vào không phận tìm kiếm.
11h54: Đêm nay, vệ tinh VNREDSAT-1 mới truyền về những bức ảnh chụp từ khu vực đảo Thổ Chu
Vietnamnet đưa tin, Ông Chu Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm Điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (Viện khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, lúc 11h trưa nay vệ tinh VNREDSAT-1 đã bay qua khu vực đảo Thổ Chu theo lệnh điều khiển từ Trung tâm và bắt đầu chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực nghi máy bay Maylaysia bị mất tích.
Dự kiến, vệ tinh này sẽ bay qua khu vực bao quát rộng khoảng 17,5km dài khoảng 100 km.
Trong đêm nay, vệ tinh sẽ truyền về những bức ảnh chụp từ khu vực đảo Thổ Chu. Khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ cung cấp ảnh để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.
11h45: Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: "Tàu HQ888 với trang bị radar đa tia dưới nước sẽ thực hiện nhiệm vụ suốt dọc hành trình về phía Đông, tức là phía tay phải đường bay dự kiến mà chúng tôi nói. Phạm vi mở rộng, lực lượng đã tăng".
11h34: Thông tin từ nhật báo Matichon, Thái Lan cho biết, vào lúc 20 giờ 00 ngày 10.3, tàu chiến Pattani của Thái Lan đã nhận thông báo của Hải quân Malaysia về việc phát hiện một áo phao giữa eo biển Malacca, cách đảo Sumatra khoảng 100 hải lý. Đây là nơi mà các nhà chức trách Malaysia cho rằng chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines có thể thay đổi hướng để bay trở lại qua eo biển Malacca và mất tích. Do vậy, các nhà chức trách Malaysia đã yêu cầu Thái Lan giúp tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển Andaman.
11h15: Thứ trưởng Bộ GT-VT: Tiên liệu còn rất ít hy vọng với máy bay mất tích (Xem chi tiết)
Sáng nay 11/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã có cuộc họp triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn với chiếc máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích với báo chí tại Sở chỉ huy Phú Quốc.
Ông Tiêu cho biết: "Cho đến giờ tất cả mọi đánh giá, tiên liệu chúng ta còn rất ít hi vọng những gì tốt đẹp đối với chuyến bay này. Vì vậy quyết tâm tìm kiếm càng nhanh càng tốt, để tìm được, giải đáp được câu hỏi của chúng ta, của các nhà báo, đặc biệt là thân nhân của những người trên chuyến bay.
Chúng tôi đang phối hợp tất cả các lực lượng không quân, hải quân, hàng hải, cảnh sát biển... Cả lực lượng biên phòng của tiểu khu 55 Phú Quốc cũng được huy động. Hiện đang rà soát thông tin từ ngư dân. Ông Tiêu nói nếu tìm thấy máy bay sẽ phải chuẩn bị phương án trục vớt, y tế, bảo vệ hiện trường".11h: Vệ tinh Trung Quốc đã gửi về những hình ảnh đầu tiên. Trong đó có 3 vết dầu khu vực máy bay Malaysia mất tích (Xem chi tiết)
10h15: Trung Quốc dùng 10 vệ tinh để tìm phi cơ Malaysia
Theo thông tin được Nhật báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc và website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải, 10 vệ tinh sẽ được sử dụng để tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Các vệ tinh này có khả năng chụp ảnh trái đất có độ phân giải cao và nhiều công nghệ hiện đại khác để "hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn đối với máy bay của Malaysia Airlines bị mất tích”
Bên cạnh đó, những vệ tinh này còn giúp theo dõi thời tiết, hỗ trợ hoạt động thông tin liên lạc của các lực lượng tham gia tìm kiếm trong khu vực chiếc máy bay bị mất tích.10h: Hai trực thăng Mi 171 mang số hiệu 04 và 8431 của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, thực hiện lệnh cất cánh từ Sân bay Cà Mau đến khu vực tìm kiếm mở rộng ra vị trí phía Tây Côn Đảo, cách bờ biển Sóc Trăng 180 km và chiếc còn lại đến vùng biển khu vực Hòn Chuối- Bãi Cạn (Nhà dàn DK10).
Khu vực tìm kiến, cứu nạn máy bay mất tích
9h15: Hiện chưa có thông tin về mảnh vỡ cách Vũng Tàu 60km
Xác nhận với PV Vietnamnet về nghi vấn mảnh vỡ của máy bay cách Vũng Tàu 30 hải lý, tức khoảng 60km, ông Lê Văn Chiến - giám đốc cảng vụ Vũng Tàu cho hay, từ chiều 10/3 đến rạng sáng nay có nhiều tàu nghi vấn được điều động ra phối hợp tìm kiếm tại khu vực nghi vấn.
Tuy nhiên ông Chiến xác nhận "cho đến thời điểm này (9h20 sáng 11/3) các lực lượng tại hiện trường vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào".
9h10: Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không không quân cho biết có tới 10 máy bay đang tìm kiếm chiếc Boeing 777 của Malaysia mất tích. Trong đó, 2 chiếc AN 26 sẽ bay ở tầm từ 3.000 – 5.000m, Casa 272 tìm kiếm ở tầm thấp hơn, Mi thấp hơn nữa khoảng 150m. Máy bay của cảnh sát biển rà soát ở tầm bay 300m. Các tàu tìm kiếm thì hoạt động theo 2 phân khu điều hành phối hợp với hải quân, không quân nhịp nhàng để tiếp cận các điểm nghi vấn.
8h15: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết, đã và đang phối hợp tích cực với các lực lượng trong nước và nước ngoài để tìm kiếm và tìm kiếm mở rộng trong hôm nay.
Liên quan đến thông tin máy bay Hồng Kông bay qua phát hiện những vật thể lớn cách Vũng Tàu 60km trong chiều tối qua (11/3), tàu của ngư dân đã phối hợp tìm kiếm, đồng thời 5 tàu thủy của hải quân, hàng hải cũng tìm kiếm cả đêm tại khu vực nghi vấn để tìm kiếm, nhưng chưa phát hiện gì khác thường.
8h: 2 tuần thám biển hiện đại nhất Việt Nam đã chính thức được điều động từ Hà Nội vào chờ sẵn ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để sáng 11/3 lên đường tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia Airlines nghi bị rơi.
Máy bay tuần thảm tham gia tìm kiếm máy bay mất tích
CASA 212 là máy bay tuần thám biển hiện đại nhất đến thời điểm hiện nay tại Việt Nam. Đầu máy bay có mắt thần (tức camera tích hợp) có thể quét trên diện rộng trên mặt biển và ghi nhận những dấu hiệu lạ dưới mặt nước biển. (Xem chi tiết)
7h15: Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến sân bay Cà Mau.
7h: Các quan chức cho biết Hải quân Mỹ đã điều tàu chiến thứ 2, USS Kidd, đến Biển Đông để giúp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia
6h: Tại sân bay Cà Mau, dự kiến chuyến bay đầu tiên Mi-171 số hiệu 04 sẽ có Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi cùng phi hành đoàn tham gia thị sát, tìm kiếm cứu nạn nghi vấn máy bay mất tích.
Được biết, 3 tổ bay trực chiến tại sân bay gồm 12 người và gần 20 người khác cùng phi hành đoàn làm nhiệm vụ tại Sở chỉ huy sân bay Cà Mau.
5h20: Tại Sở chỉ huy quân sự Cà Mau, PV Quốc Huy dẫn lời trung tá Nguyễn Đức Tải – Phi công kiêm dẫn đường Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 cho biết: Mấy ngày tìm kiếm các vật thể nghi vấn máy bay gặp nạn đều không thấy.
Trong ngày hôm nay, các tổ bay sẽ có kế hoạch mới, mở rộng hướng tìm kiếm theo đường bay của chiếc Boeing 777 Malaysia bị nạn.
Các tổ bay sẽ được tìm kiếm theo hướng Tây của Côn Đảo và đến khu vực bãi cạn Cà Mau.
Theo tin tức từ Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Phạm Quý Tiêu cho biết, ngày 11/3, lực lượng cứu hộ sẽ tập trung nhiều hơn nữa, khu vực tìm kiếm sẽ được mở rộng.
Các quan chức Malaysia ngày 10.3 cũng cho biết họ đang tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm máy bay mất tích và vẫn không thể loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố hoặc bị không tặc, theo trang tin Malaysian Insider.
Trong sáng 10.3, ít nhất 5 tàu bay Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm với phạm vi mở rộng thêm khoảng 20.000 km2. Ngoài ra, trên vùng biển của Việt Nam, có hơn 10 tàu hải quân, cảnh sát biển, tàu kiểm ngư cũng đang mở rộng phạm vi tìm kiếm.
Ngày tìm kiếm thứ 3, Việt Nam đã huy động 6 máy bay (3 AN 26, 2 Mi 171, 1 DHC6, bay 12 lần chuyến), 7 tàu các loại gồm SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774. Tàu HQ 888 trên đường cơ động đến hiện trường, CSB 2002 xuất phát ra hiện trường thay thế cho tàu CSB 2001 về bổ sung nhiên liệu, HQ 627 bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413. Phía lực lượng nước ngoài: Tổng số 4 máy bay, 11 tàu gồm: Malaysia 2 máy máy bay, 7 tàu; Singapore 2 máy bay, 2 tàu; Trung Quốc 2 tàu cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia bị mất tích.
P.V