Tin mới

14 Luật quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/7

Thứ năm, 30/06/2016, 15:34 (GMT+7)

Luật điều ước quốc tế; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật trưng cầu ý dân; Luật an toàn thông tin mạng....là những Luật quan trọng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Luật điều ước quốc tế; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật trưng cầu ý dân; Luật an toàn thông tin mạng....là những Luật quan trọng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Theo tin tức từ báo điện tử Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2016, 14 Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Luật điều ước quốc tế

Luật điều ước quốc tế gồm 10 chương, 84 điều. Luật làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều ước quốc tế...

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bổ sung quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.

Bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng quy định rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng.

Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Đối với chức danh chiến đấu viên để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành.

Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Luật Tố tụng hành chính

Luật tố tụng hành chính gồm 23 chương, 372 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Luật trưng cầu ý dân

Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày mai (1/7/2016).

Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều quy định, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.

Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu.

Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất để Quốc hội quyết định các biện pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Bộ luật tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 (trừ các quy định của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017).

Bộ luật được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời…

Luật quy định rõ quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Theo đó, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Luật khí tượng thủy văn

Luật khí tượng thủy văn bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội có hiệu quả. Đặc biệt, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn bảo đảm công tác phục vụ phòng chốn, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo do mình ban hành. Thông tin dự báo, cảnh báo phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn; dễ hiểu, dễ sử dụng và được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Luật thống kê

Luât thống kê quy định hệ thống thông tin thống kê bao gồm: Hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.

Luật thống kê quy định, nghiêm cấm việc khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; Tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó…

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Luật quy định về chất vấn, theo đó, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).

Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời…

Luật an toàn thông tin mạng

Luật quy định hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13

Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, Chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.

Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan cấp phép hoạt động. 

Luật an toàn, vệ sinh lao động

Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; ngoài các quy định về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, còn quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

 

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Thú y

Người được cử đi hoạt động thú y theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước bị lây nhiễm bệnh, bị thương, chết sẽ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng.

Người chăn nuôi, sử dụng động vật phải đối xử nhân đạo, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển, chữa bệnh và giết mổ động vật. Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

H.Yên (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news