Trận mưa lũ lớn nhất trong lịch sủ 40 năm qua tại Quảng Ninh đã làm 17 người chết và mất tích, nhiều tuyến đường ngập cục bộ khiến TP Hạ Long và các khu vực khác chìm trong biển nước.
[mecloud]nhD5p1Q3BG[/mecloud]
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 11h ngày 28/7, đã có 17 người chết và mất tích do mưa lũ.
Trong đó có 3 mẹ con tại phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả bị thiệt mạng vào tối 26/7 và 14 người tại TP.Hạ Long bị mất tích do sập đổ nhà cửa. Đến nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới chỉ tìm được 7/14 người mất tích.
Sáng nay, mưa lũ cũng làm sập ba căn nhà của một hộ dân, toàn bộ người trong gia đình này đều bị vùi lấp.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm người mất tích trong 3 căn nhà bị đổ |
Thông tin từ người dân cho biết, những người trong ngôi nhà này đều là trong một gia đình gồm bà Nguyễn Thị Thược, 2 người con trai, 2 người con dâu và 4 cháu nhỏ và 1 người bạn của cháu bà Thược.
Việc cứu hộ các nạn nhân trong vụ sạt lở đất có sự nỗ lực tham gia của rất nhiều lực lượng: Cảnh sát cơ động, công an, Bộ đội Biên phòng, cứu hỏa, hội chữ thập đỏ, y tế.
Đến 9h30 sáng nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 2 người trong đống đổ nát là hai mẹ con chị Đỗ Thị Hiên và cậu con trai đang học lớp 12. Hai nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tuy nhiên cả hai đều đã tử vong. Hiện lực lượng cứu hộ đang tiến hành tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân mất tích.
Theo ông Giang, đây là trận mưa lịch sử tại Quảng Ninh trong vòng mấy chục năm qua, lượng mưa đo được tại nhiều nơi đã lên đến gần 1m.
Ông Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục có mưa to đến rất to. Hàng loạt khu vực bị cô lập vì ngập sâu, có những điểm như Bản Sen ở Vân Đồn ngập đến hơn 10m.
Dừng họp để tập trung chống mưa lũ
Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, sáng ngày 28/7, Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXIV và Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XXI đã tạm dừng làm việc để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tập trung lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lụt.
Hiện tại, các đồng chí lãnh đạo TP Hạ Long và huyện Hải Hà đang khẩn trương chỉ đạo các lực lượng ứng phó với mưa lụt, sẵn sàng xử lý những tình huống do mưa lũ gây ra trên địa bàn các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu tất cả lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan và địa phương các huyện, thị, thành phố gấp rút tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, những nơi xảy ra thiệt hại do mưa lũ để giúp đỡ người dân bị nạn.
Để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả, sáng 28/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã làm việc và đề nghị Quân khu III hỗ trợ Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thiếu tướng Trần Mạnh Kha, Phó tham mưu trưởng Quân khu III, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, xe tăng lội nước ứng cứu nhân dân, đặc biệt đối với các khu vực bị chia cắt, sạt lở lớn; có phương án cụ thể đối với từng khu vực, đặc biệt đối với các khu vực xung yếu.
17 người chết và mất tích trong trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh. Ảnh Báo Quảng Ninh |
Trận mưa lịch sử trong 40 năm qua
Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nơi lượng mưa cao tới gần 600mm, đồng thời mưa to gặp lúc triều cường nên mức độ ảnh hưởng rất lớn.
Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh cho hay, trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bước sang ngày thứ tư với lượng mưa vượt ngưỡng 500mm.
Tính đến 6 giờ ngày 28/7, lượng mưa đo được ở Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) đạt mức 828,1mm; Cô Tô đạt 796,7mm; Quảng Hà (huyện Hải Hà) 587,8mm; Bãi Cháy (thành Hạ Long) đạt 580,9mm; thành phố Móng Cái đạt ngưỡng 574,8mm...
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có mưa to, mưa rất to ở khu vực TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn.
Lượng mưa ước tính trên 750mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường giao thông, sạt lở một số công trình thủy lợi…
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, toàn bộ khu vực trung tâm ở thành phố Cẩm Phả đã bị ngập. Ở đèo Dốc Bụt - điểm giáp ranh giữa Cẩm Phả và Hạ Long, hiện nay cũng chìm trong biển nước.
K. Duy (tổng hợp)