Theo tin tức trên VietNamNet, tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia những ngày này xôn xao chuyện 'của đổ vào nhà giàu' khi một số gia đình khá giả, thậm chí xây nhà tiền tỷ lại nằm trong danh sách cận nghèo, được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.
Ngôi nhà tiền tỷ mới xây của gai đình ông Khánh. Ảnh: VNN
Được biết, gia đình ông Lê Văn Khánh (SN 1971, trú xóm 2, thôn Hạnh Phúc) là một trong những hộ đầu tiên ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ sau khi trưởng thôn đến vận động.
Nhà ông được người dân trong xã biết đến là hộ cận nghèo có 'điều kiện'. Theo ông Khánh chia sẻ, vợ chồng ông làm nghề thu mua hải sản, kinh tế khá giả. Gia đình xây nhà năm ngoái, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
"2 năm nay nhà tôi được thôn, xã bình xét hộ cận nghèo, ngoài việc con cái được miễn giảm học hành thì vợ chồng tôi được vay ưu đãi khoảng 300 triệu để xây ngôi nhà này”, ông Khánh kể và cho biết vì không khó khăn nên khi trưởng thôn đến vận động ký không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhường lại cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn thì ông ký luôn.
Cũng theo ông Khánh, giả sử nhà tôi được bình xét hộ cận nghèo theo đúng tiêu chí, với gói hỗ trợ của Chính phủ, 4 khẩu của gia đình sẽ được nhận một số tiền lớn.
Theo một số người dân ở thôn Hạnh Phúc, trong danh sách 76 hộ cận nghèo được lập để nhận hỗ trợ của Chính phủ, có tới một nửa được bình xét không đúng tiêu chí. Đó là một trong những lí do họ dễ dàng ký vào đơn từ chối nhận hỗ trợ như vậy.
Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hoá vừa yêu cầu bỏ mẫu đơn in sẵn, người dân muốn tự nguyện không nhận hỗ trợ của Chính phủ thì viết tay, hoặc nhờ người viết hộ. Ảnh: VOV
Trước đó, trong ngày 11 và 12/5, một số cơ quan báo chí đưa tin, bình luận về "Một huyện có 2.400 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19".
Cụ thể, tại huyện Thọ Xuân, qua rà soát của Phòng LĐTB và Xã hội huyện, hơn 46.500 người dân ở các gia đình Chính sách, hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hơn 2.000 người dân ở đây đã tự nguyện không nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Trước sự việc trên, ngày 14/5, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết cơ quan này đã yêu cầu các địa phương bỏ mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Nếu người dân có ý định tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ thì phải tự tay viết đơn, nếu ai không biết chữ thì có thể nhờ người viết thay, sau đó điểm chỉ vào tờ đơn thay cho chữ ký. Còn mẫu đơn in sẵn do các địa phương tự soạn, tuy tiện lợi và nhanh gọn nhưng cách thức chưa phù hợp với tinh thần tự nguyện của người dân”, trên Zing.vn dẫn lời ông Dũng nói và cho biết đoàn công tác của Sở đã kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 ở các xã Xuân Lập và Xuân Phong (huyện Thọ Xuân).
2 xã trên có số lượng lớn người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Đoàn công tác không phát hiện việc cán bộ cơ sở vận động người dân không nhận tiền.