Tin mới

27 năm, cuộc sống của người Việt đầu tiên nhiễm HIV giờ ra sao?

Thứ năm, 21/12/2017, 16:04 (GMT+7)

Người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12/1990. 27 năm nay, người phụ nữ này hiện vẫn đang sống và khỏe mạnh sau khi dùng thuốc kháng virus.

Người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12/1990. 27 năm nay, người phụ nữ này hiện vẫn đang sống và khỏe mạnh sau khi dùng thuốc kháng virus.

Ngày 21/12, trong buổi gặp gỡ truyền thông chia sẻ về tình hình nhiễm HIV ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết tính đến tháng 10 năm nay, cả nước đang điều trị ARV cho 123.358 bệnh nhân, chiếm 58% người nhiễm HIV được phát hiện.

Trao đổi trên tờ Người lao động, lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết người đầu tiên nhiễm HIV ở Việt Nam là một phụ nữ ở TP HCM. Đến nay, sau gần 30 năm được phát hiện nhiễm HIV, chị này vẫn sống khoẻ mạnh sau khi dùng thuốc kháng virus. Hiện những xét nghiệm máu của chị cho thấy hàm lượng của virus rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Nguyên nhân là do chị dùng thuốc đều đặn với tinh thần thoải mái nên đã kìm được sự phát triển virus HIV. 

Người phụ nữ phát hiện nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam từng kể lại, năm 20 tuổi, chị yêu một nghệ sĩ múa ở một nước châu Âu. Năm 1989, sau gần 10 năm yêu nhau, anh về miền Bắc một thời gian, chị từ TP HCM ra Bắc cùng anh làm lễ ra mắt. Lúc đó, chị cũng biết, trước khi đến với chị, anh đã có quan hệ với một số phụ nữ khác, nhưng vì rất yêu anh nên chị cố gắng thông cảm.

Ảnh minh họa.

Cuối năm 1990, chị thực hiện các thủ tục xuất cảnh để sum họp cùng anh. Khi xét nghiệm, mẫu máu thì phát hiện có vấn đề, mẫu máu của chị được chuyển ra nước ngoài để xét nghiệm. Một chiều tháng 12/1990, chị nhận được tin chị có HIV. Khi bác sĩ hỏi chị có quan hệ tình dục với ai không, chị cho biết chỉ quan hệ với chồng sắp cưới. Lúc đó chị vừa tròn 30 tuổi và là trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam.

Bốn năm sau ngày nhận tin dữ mình có HIV thì chị nhận được tin chồng sắp cưới mất cũng vì HIV. Từ khi phát hiện có HIV, chị được theo dõi định kỳ và đến tháng 1/1997 thì bắt đầu uống thuốc điều trị.

“20 năm một mình, lúc còn trẻ tôi lo làm ăn và khá bận rộn nên không ý thức hết nỗi cô đơn, bây giờ tuổi xế chiều mới thật thấm thía... Một vài người chủ động đến với tôi nhưng dường như duyên tình tôi đã cạn. Tôi đều cho họ biết tôi có HIV”, chị nói.

Đặc biệt, trong buổi gặp gỡ truyền thông, PGS. Nguyễn Hoàng Long cho biết việc điều trị bằng thuốc ARV cho người bị HIV có ý nghĩa rất quan trọng. “Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác”, PGS Long cho biết.

Trong đó tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện được hiểu là khi HIV dưới 200 bản sao/ml bằng cách xét nghiệm.

Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào.

Giang Trần (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news