Tin mới

3 cách truyền cảm hứng và thói quen đọc cho con.

Thứ hai, 21/11/2016, 14:10 (GMT+7)

Đọc sách khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi chuyến đi trên từng con chữ. Vậy, làm sao để có thể truyền đạt những giá trị trân quý của việc đọc sách và tạo cảm hứng đọc cho con chúng ta

Đọc sách là một cách tuyệt vời mở mang cho chúng ta những chân trời mới với nhiều cuộc phiêu lưu khác nhau mà không thể trải nghiệm ở bất cứ hình thức nào khác. Đọc sách khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi chuyến đi trên từng con chữ, bao trọn cảm xúc khi tiếp nhận một nền văn hóa, văn minh qua từng trang giấy. Vậy, làm sao để có thể truyền đạt những giá trị trân quý của việc đọc sách và tạo thói quen, cảm hứng đọc cho con của chúng ta?

1. Đọc sách cho con

Các chuyên gia khuyên rằng ba mẹ nên dành thời gian đọc sách cho con ngay khi có thể, và bạn sẽ phải ngạc nhiên rất nhiều với mỗi sự thay đổi. Từ khi vừa sinh bé, ba mẹ đã có thể mua những cuốn sách bìa cứng dành cho trẻ em và nói chuyện với con về những bức tranh. Vì con còn quá nhỏ nên thời điểm này không cần thiết phải quá chú trọng đến những chữ xuất hiện trong sách, nhưng việc tạo thói quen tiếp xúc với sách cho con lại mang ý nghĩa rất lớn về sau.

Đọc sách cho con là phương pháp hữu hiệu tạo nên thói quen học hỏi ở trẻ

Ba mẹ hãy ngồi lại với con, lật giở từng trang hình ảnh và hướng dẫn con đặt tên cho từng đồ vật xuất hiện. Khi con có hướng ngắm nhìn và ngẫm nghĩ nhiều hơn về những hình ảnh đó, hãy bắt đầu đọc cho chúng nghe. Ban đầu có thể chỉ là những câu ngắn trong ngữ cảnh ngắn và gần gũi để con dễ tiếp thu và không mau chán. Dần dần khi con đã gần như đã khám phá hết những cuốn truyện ngắn và nhỏ đó, ba mẹ có thể thay thế đọc cho con những cuốn sách với đoạn văn dài hơn một chút, giúp con tư duy và tiếp cận với lối viết truyện, kể truyện và dần hình thành ý tưởng phân tích những gì đọc được. Thậm chí, kể cả khi đang không đọc sách, ba mẹ và con cũng có thể thảo luận về nhân vật, cốt truyện, bài học trong những gì đã đọc. Điều này giúp con bắt đầu có tư tưởng coi sách như một người bạn thơ ấu.

2. Đọc sách cùng con

Khi con đã có thể cầm sách tự đọc, ba mẹ cũng đừng nên để mặc con với thế giới riêng. Hãy chọn cho con những cuốn sách dễ hiểu với từ ngữ thông dụng và ngồi đọc cùng con. Ba mẹ nên yêu cầu con đọc từng câu hay từng đoạn nhỏ, rồi ba mẹ đọc những câu, đoạn nối tiếp, cứ thế thay phiên nhau như vậy. Khi đã nhuần nhuyễn, con có thể chuyển sang đọc cả trang sách và vẫn tiếp tục việc ba mẹ và con đọc nối tiếp nhau. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nhớ để ý những từ khó hiểu, ít gặp để giải nghĩa cho con, đồng thời giúp con đánh vần và đọc cho đúng, không bị ngọng. Có điều, nếu con có vẻ chán nản với những từ mới, hãy dừng việc giải thích và tiếp tục với những đoạn khác.

Cùng tìm hiểu cách khía cạnh sâu sắc hơn của câu chuyện cùng con

Đây sẽ là khoảng thời gian ý nghĩa cho cả ba mẹ và con và chẳng hề dính dáng đến bài tập hay việc trường lớp. Ngoài ra, hãy dẫn con ra hiệu sách mỗi dịp cuối tuần và gợi ý những đầu sách hay - một cách để tìm hiểu con thực sự hứng thú với chủ đề gì.

3. Đọc sách quanh con

Con cái thường bắt chước người gần gũi chúng nhất, là ba mẹ. Trẻ con nhìn ba mẹ đọc sách sẽ có thiên hướng coi việc đọc như một hoạt động yêu thích bởi sự tò mò trong những cuốn sách thu hút ba mẹ chúng. Con thấy ba mẹ trân trọng sách sẽ tự động hiểu rằng sách đóng vai trò rất lớn trong gia đình, và cũng sẽ trân quý những cuốn sách như ba mẹ chúng. Hoàn toàn có thể xây dựng một “thư viện” trong chính ngôi nhà của bạn, với những loại sách dành riêng cho từng độ tuổi, nhu cầu và sở thích của mỗi thành viên. Hàng ngày, vào một giờ cố định, cả gia đình cùng ngồi đọc cuốn sách của mình và chia sẻ với nhau về những gì được viết. Ba mẹ thậm chí có thể chọn những tình tiết hay và có ý nghĩa trong cuốn sách của mình để trao đổi cùng con, giúp con động não và đánh thức cảm xúc. Việc đọc sách quanh con chính là tạo nên môi trường lành mạnh với sách truyền cảm hứng đọc cho con mỗi ngày.

Thói quen đọc sách không chỉ cho trẻ mà còn cho chính thành viên trong gia đình thêm gắn kết

Chẳng có gì thú vị hơn khi trong gia đình, mỗi người ôm một cuốn sách khác nhau với những câu chuyện, tư tưởng khác nhau, nhưng lại chung nhau nỗi niềm khao khát khám phá, học hỏi. Sách là chất kích thích tư duy, và cũng là phương thuốc cho tâm hồn, vì vậy ba mẹ hãy luôn tìm cách đúng đắn để truyền cảm hứng và thói quen đọc sách cho con hàng ngày!

Kalinh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news