Trước khi ngã xuống, Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa) đã hô: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Đêm 11/3/1988, tàu HQ 604 vượt sóng ra khơi. Trên tàu chủ yếu là lính công binh đi làm nhiệm vụ. Chiều 13/3, tàu ra đến đảo Gạc Ma. Lúc đó tàu Trung Quốc vẫn chưa có động tĩnh gì, chỉ lặng lẽ bám theo.
"Chuyến đó đi ai cũng biết sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vì, từ cuối năm 1987, một vài cuộc đụng độ, tranh chấp đã xảy ra. Tình hình đã bắt đầu nóng lên, Trung Quốc kéo xuống ngày càng đông", báo Zing.vn dẫn lời cựu binh Lê Hữu Thảo chia sẻ.
Rạng sáng ngày 14/3, ba tàu Trung Quốc đến đòi phía Việt Nam hạ cờ nhưng các chiến sĩ của chúng ta dĩ nhiên không hạ. Chỉ huy cụm đảo Trần Đức Thông hạ lệnh cho các chiến sĩ biết bơi phải bơi ngay vào hỗ trợ các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ.
Tàu HQ 604. Ảnh tư liệu |
Lúc đó, quân Trung Quốc tràn lên dàn hàng ngang, lính công binh chỉ có cuốc chim và xẻng, phía bên kia là AK và lưỡi lê.
"Tình thế giáp lá cà lúc đó, chúng tôi vẫn không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ bắn vào mình", anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh, người sống sót trong trận Gạc Ma kể lại.
Thế nhưng Trung Quốc đã bắn. Thiếu úy Trần Văn Phương trúng đạn vào đầu và hi sinh. Trước khi nhắm mắt, thiếu úy Phương đã hô lớn: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Thiếu úy Phương ngã xuống, Nguyễn Văn Lanh đứng cạnh tiếp tục lãnh nhiệm vụ giữ cờ. Trên đảo Gạc Ma buổi sáng ngày 14/3 hôm đó, cuộc chiến đấu giữa cuốc chim và lưỡi lê, giữa xẻng và AK vẫn tiếp tục. Không ai có ý định lùi bước.
Tiếp đến quân Trung Quốc sử dụng đạn pháo, rocket, trọng liên bắn chìm tàu vận tải HQ 604 của Việt Nam. 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, 64 người hy sinh, nhiều người khác bị thương trong cuộc thảm sát đẫm máu ngày 14/3.
Pháo 37 ly của quân địch bắn vào tàu Việt Nam ngày 14/3/1988. Ảnh tư liệu/ Dân trí |
Sau khi HQ604 bị bắn chìm, những người còn sống, người bị thương cố bơi về phía tàu HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ. Ba tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ 505. Tàu của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ bị trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. Các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn, dầu lênh láng. Những người sống sót sau cuộc thảm sát đối mặt nguy cơ tàu có thể bị chìm xuống mực nước 1.000 m.
Trong thời khắc sinh tử đó, ông Lễ quyết định bằng mọi giá phải giữ được tàu. Khi tàu vừa được sửa, HQ 505 hướng về đảo Cô Lin. Gần đến đảo, thuyền trưởng hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu phi thẳng. Lúc này tàu HQ 505 nằm gác 1/3 thân trên đảo và trở thành pháo đài kiên cố giữ đảo. Họ đã bám trụ ở đó cho đến tháng 6/1988 khi Trung Quốc từ bỏ các hành động khiêu khích.
Quyết định dùng chính con tàu dài gần 100 m, rộng 38 m làm pháo đài giữ đảo Cô Lin sau này được đánh giá là trọng đại, táo bạo và chính xác của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ. Năm 1989, Tập thể tàu HQ 505 và thuyền trưởng Lễ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân. Nhiều chiến sĩ khác được thưởng huân chương chiến công các hạng.
Thợ lặn đang tiếp cận tàu HQ-605 bị chìm dưới đáy biển trong sự kiện 14/3/1988. Ảnh tư liệu/ Dân trí |
Theo báo Vietnamnet, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Tham mưu phó Quân chủng Hải quân giai đoạn đó, cho hay, 30 năm đã trôi qua, nhưng Gạc Ma vẫn là nỗi đau đáu đối với những người còn sống.
"Trận Gạc Ma theo tôi không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân Trung Quốc phát súng nào đâu. Mà Việt Nam lên đảo trước vào ban đêm. Đến sáng hôm sau Trung Quốc mới lên. Thấy người lính Việt Nam cắm cờ rồi đến nhổ cờ đi, một bên bảo vệ cờ, một bên nhổ cờ".
"Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải quân Trung Quốc với Hải quân Việt Nam. Có thể do họ manh động cho nên gây vụ thảm sát này. Vụ Gạc Ma phải nói thẳng cho thế giới biết rằng đó là một cuộc thảm sát. Không có một trận hải chiến nào ở đây cả", chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.
Lê Huyền (tổng hợp)