"Nếu để cá rã đông một cách tự nhiên, sau đó đem rửa bằng nước nhiều lần thì hàm lượng Phenol trong cá sẽ giảm đi đáng kể. Hơn nữa, chỉ với một hàm lượng Phenol vô cùng nhỏ được đưa vào cơ thể người thì cũng không đáng lo ngại vì chúng sẽ được bài tiết qua da và nước tiểu" - PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Vừa qua, hơn 30 tấn cá nục của một cơ sở thủy sản đông lạnh tại Quảng Trị bị phát hiện nhiễm chất độc Phenol. Theo chia sẻ của ông Hồ Sỹ Biên - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, tuy hàm lượng Phenol được phát hiện trong lô các trên chỉ ở mức nhỏ (0,037mg/kg) nhưng chiếu theo quy định về an toàn thực phẩm, Phenol tuyệt đối cấm xuất hiện trong thực phẩm nên cơ quan chức năng đã tiến niêm phong toàn bộ số hàng trên để chờ xử lý.
Thông tin về chất độc Phenol có trong cá nục đã khiến người tiêu dùng hoang mang vì Phenol vốn chất độc được sử dụng trong công nghiệp hóa chất, tẩy uế. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm (Đại học Bác Khoa HN), nếu biết cách xử lý thì số lượng cá nục nhiễm Phenol với hàm lượng như trên sẽ không quá nguy hại đối với sức khỏe con người nếu dùng cá này làm thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, trong danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm thì không có Phenol (Công thức hóa học: C6H5OH). Tuy nhiên, theo những cách nào đó, Phenol vẫn có thể xuất hiện trong thực phẩm do thực phẩm bị nhiễm tạp, nhiễm bẩn trong quá trình sản xuất, bảo quản, môi trường...
"Đối với trường hợp 30 tấn cá nục đông lạnh bị phát hiện nhiễm Phenol, cần xem xét trường hợp Phenol bị nhiễm vào cá do tình huống chủ quan hay khách quan, vì với mỗi loại tình huống, có thể có cách xử lý cụ thể" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu cá nhiễm độc Phenol do nguyên nhân khách quan thì vẫn có cách để xử lý để giảm bớt lượng Phenol trong cá. Ảnh: TTXVN |
Theo GS Thịnh, trường hợp thứ nhất, cá nục có thể bị nhiễm Phenol do điều kiện khách quan. Thực tế, trong môi trường nước biển vẫn có hợp chất Phenol, nó thuộc vào nhóm chất gây ô nhiễm môi trường. Bộ y tế cũng có quy định về hàm lượng nước thải, nước biển có hàm lượng Phenol với giới hạn trên và giới hạn dưới cụ thể. Như vậy, đã có quy định về hàm lượng Phenol trong nước biển đồng nghĩa với khả năng nước biển có thể có hợp chất này.
Nước biển chứa Phenol có khả năng lẫn vào trong cá. Đồng thời, nước biển còn có thể được dùng để làm đá lạnh để ướp cá nên trường hợp này, Phenol nhiễm vào cá không thuộc lỗi của người sản xuất, đánh bắt.
Do đó, vẫn có khả năng xử lý để có thể không phải loại bỏ, tiêu hủy đến 30 tấn cá, dựa vào tính vật lý của Phenol là tan trong nước.
Cụ thể, có thể cho cá rã đông tự nhiên, Phenol sẽ theo nước mà tan đi một phần. Sau khi rã đông, có thể dùng nước lạnh để rửa cá nhiều lần. Không nên rửa cá bằng nước ấm vì nếu cá bị nóng lên sẽ bị hư hỏng nhanh hơn. Khi cá được rửa cá xong, nếu cơ quan chức năng phân tích lại mà kết quả hàm lượng Phenol trong cá còn rất thấp so với ban đầu hoặc chỉ còn lại tính chất "dấu vết" thì có thể đem cá cấp đông trở lại và sử dụng an toàn về cơ bản.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu cá nhiễm Phenol do con người cố tình đưa chất này vào trong quá trình bảo quản cá thì cá đã bị nhiễm độc kép. Nếu sử dụng cá này thì sẽ nguy hại đối với sức khỏe con người. Ảnh minh họa |
Nếu người dân mua cá mà không biết có bị nhiễm Phenol hay không thì vẫn có thể xử lý thải độc bằng cách như trên. Tuy nhiên, với số lượng ít và sử dụng làm thực phẩm ngay thì có thể ngâm cá bằng nước ấm 35 - 37 độ, hàm lượng Phenol cũng theo đó mà hòa tan trong nước và nồng độ giảm dần đi.
"Cá chỉ có thể được làm sạch bằng biện pháp trên để sử dụng làm thực phẩm nếu việc nhiễm Phenol là do khách quan. Còn trường hợp cá nhiễm Phenol do nguyên nhân chủ quan, cố tình cho chất này vào để bảo quản cá thì số cá trên nhất định phải bị tiêu hủy theo quy định bởi đó là thực phẩm bị nhiễm độc "kép", nếu dùng sẽ rất nguy hại cho sức khỏe - PGS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Theo phân tích của chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm này, nguồn cơn để người ta dùng Phenol để ướp cá chỉ có thể là do trước khi được cấp đông, cá đã bị chết nên phải dùng Phenol hỗ trợ giúp ức chế vi sinh vật phát triển có thể làm cho cá thiu thối.
"Được biết, lô cá đông lạnh bị nhiễm Phenol được phát hiện thu mua sau thời điểm cá chết ở dọc biển miền Trung. Do đó, nếu cá chết do biển nhiễm độc thì bản thân số cá này đã gây nguy hại đối với sức khỏe. Còn nếu cá chết vì lý do ươn hỏng thông thường thì các vi sinh vật gây thiu thối cho cá cũng là có thể gây độc đối với cơ thể người. Việc sử dụng chất độc Phenol vào quá trình bảo quản cá đã gia tăng chất độc thêm một lần nữa. Như vậy, trường hợp này, con cá đã bị "nhiễm độc kép" nên buộc phải tiêu hủy theo quy định" - PGS. Nguyễn Duy Thịnh nêu rõ.
Trước đó, hôm 10/6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị công bố thông tin, qua kiểm nghiệm, phát hiện mẫu thử của lô 30 tấn cá nục đông lạnh đang tồn kho có chứa Phenol - một loại chất độc bị cấm dùng trong thực phẩm.
Mẫu cá nục lấy sau thời điểm cá chết hàng loạt có chất Phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Được biết, số các đông lạnh này được thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng các chết bất thường dọc dọc bờ biển các tỉnh miền Trung.
Trong buổi sáng ngày 13/6, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho hay, Sở này đang lấy thêm mẫu trong lô cá nục 30 tấn nhiễm chất cực độc Phenol để xét nghiệm thêm. Mẫu mới sẽ gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để kiểm tra.
Theo ông Thành, việc lấy mẫu lần này lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Việc tiêu hủy lô hàng này hiện đã tạm dừng, chờ kết quả kiểm nghiệm.
Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cũng lấy mẫu độc lập tại tất cả cơ sở đông lạnh trên địa bàn để kiểm tra. Giám đốc Sở Trần Ngọc Lân cho hay, một số tiêu chí được Sở kiểm nghiệm, trong khi một số tiêu chí khác như hàm lượng Phenol được gửi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Vũ Đậu