Đó là con số được đưa ra tại toạ đàm “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” do TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 9/7 tại TP Đà Nẵng.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn TP Đà Nẵng trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, khẳng định vai trò quan trọng của cha mẹ trong công tác này.
Hội nghị cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình trẻ bị phát hiện từ năm 2006-2011.
Còn theo khảo sát của Tổng cục thống kê, gần 74% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Bằng chứng khoa học đã cho thấy bạo lực và xâm hại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Nó làm giảm khả năng học tập và hòa nhập xã hội của các em, tác động tới quá trình trưởng thành và để lại những hệ quả tiêu cực trong cuộc sống sau này.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành động xâm hại, bạo lực trẻ em đã được đưa ra, trong đó nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm đến con cái của các bậc cha mẹ được nhắc đến nhiều hơn cả.
Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến của các cán bộ, hội viên hội phụ nữ TP Đà Nẵng đã lên án mạnh mẽ hành động bạo lực đối với trẻ em và đề nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa đối với những kẻ đã cố tình ngược đãi, đánh đập trẻ em, đồng thời tăng cường vai trò cha mẹ trong việc bảo vệ con cái, không để kẻ xấu xâm hại đến sức khỏe và tính mạng.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng cho rằng, cần phải xây dựng quy trình phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hội phụ nữ, công an, trung tâm bảo trợ xã hội khi có vụ việc bạo hành, lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra; đồng thời cần xây dựng hành lang pháp lý như Luật tố cáo để người dân phát hiện, thông báo, tố cáo kịp thời những hành vi bạo lực trẻ em.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có số lượng tỷ lệ trẻ em bị xâm hại rất ít. Dù không nhiều nhưng những vụ việc đã xảy ra lại tương đối nghiêm trọng. Trong công tác bảo vệ trẻ em thì gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự bảo vệ trẻ, cần phải tạo môi trường sống an toàn, các cha mẹ cung cấp những kiến thức thông tin cần thiết, cảnh báo cho trẻ sớm nhận thức những nguy hiểm để trẻ có thể tự bảo vệ mình.
Mặt khác, nhiều ý kiến còn đề nghị Nhà nước cần tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên có tâm, có nghề cho các cơ sở nuôi dạy trẻ để tránh nạn bạo hành trẻ em như đã xảy ra trong thời gian qua.
Theo Khánh Hồng (Dantri)