Tin mới

4 con chó cắn chủ nhân: Báo động việc thả rông chó ngoài đường

Thứ hai, 14/03/2016, 18:15 (GMT+7)

Ai sẽ là nạn nhân khi những con chó thả rông kia bất chợt lên cơn? Hãy nghĩ khi chính bản thân bạn là nạn nhân của những con chó đấy thì bạn sẽ ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm của những vụ việc này?

Dư luận lâu nay đã phản ánh nỗi lo ngại, bức xúc việc các hộ dân ở đô thị nuôi chó theo kiểu thả rông để xảy ra chuyện chó tấn công, đuổi cắn người. Mới đây, những hình ảnh ớn lạnh trong clip 4 con chó dữ giống Doberman và Rottweiler khi thả rông, không được rọ mõm đã lao vào cắn xé một người đàn ông, thực sự là hồi chuông cảnh báo nỗi lo ngại đó.

Từ clip ớn lạnh

Trong clip dài hơn 2 phút, được xác định ghi tại ngõ 41 Hồng Hà (Ba Đình - Hà Nội), người đàn ông bị chó cắn cũng chính là chủ nhân của 4 con chó trên.

Sự việc xảy ra sau khi 4 con chó dữ giống Doberman và Rottweiler tấn công một người phụ nữ, trên đường theo chủ trở về nhà, đã quay sang cắn xé chính chủ của mình. Người đàn ông tên Duy, chủ của 4 con chó dữ này, được người dân giải cứu và nhập viện trong tình trạng đứt gân tay, cánh tay gần như bị nát, chân có nhiều vết thương.

Hình ảnh vụ việc trong clip này đã thực sự gây choáng, cảm giác ớn lạnh cho những người xem và xôn xao dư luận. Trên các diễn đàn xã hội, trước sự việc này, có khá nhiều ý kiến, từ đề xuất không nuôi, cấm nuôi giống chó dữ như Doberman hay Rottweiler, Bergie; đến  chia sẻ nỗi đau đớn thể xác, tinh thần của nạn nhân bị chó cắn nhưng bảo vệ loại "hung cẩu" này. Họ cho rằng, bản năng của đa số loài chó là hung dữ, tuy nhiên chính cách nuôi dưỡng, thuần hóa của mỗi gia đình sẽ quyết định vật nuôi có trở nên thân thiện hay không.

 

Anh Duy bị 4 con chó lao vào cắn. Ảnh cắt từ clip.

Nhưng cũng nhiều ý kiến từ các diễn đàn và ngoài xã hội cho rằng, đó là bài học cho cung cách nuôi chó ở đô thị theo kiểu thả rông để xảy ra chuyện chó tấn công, đuổi cắn người và tấn công chính chủ của mình.

Không ít ý kiến phê bình gay gắt: Sự việc xảy ra chính là hậu quả của việc nuôi và quản lý chó không đúng quy định. Hiếm nơi nào nuôi chó thả rông như ở Việt Nam. Cứ đà này, ai sẽ là nạn nhân khi những con chó thả rông kia bất chợt lên cơn? Hãy nghĩ khi chính bản thân bạn là nạn nhân của những con chó đấy thì bạn sẽ ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm của những vụ việc này?

Một số người cũng cảnh báo, đây thực sự là một nỗi lo ngại trên đường phố. Cần có một biện pháp nào đó thắt chặt việc nuôi chó ở các thành phố lớn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và các em nhỏ.

Đến hiểm họa đường phố

Hình ảnh gần đây thường bắt gặp ở các địa điểm công cộng, những công viên lớn của Hà Nội, Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây..., là nhiều loại chó vẫn được chủ thả rông, không rọ mõm. Những con chó này chạy nhảy, lao thẳng vào chỗ đông người và có lúc, sẵn sàng quay sang gây chiến lẫn nhau. Nhìn cảnh chó... tự tung tự tác, nhiều người sợ xanh mặt, tìm cách tránh.

Một phụ nữ đưa con nhỏ đi dạo Bờ Hồ đã lo ngại nói với phóng viên: Thấy lo cho mấy cháu nhỏ chạy chơi ở đấy quá, toàn chó dữ không xích, không rọ mõm. "Mồm chó, vó ngựa", lỡ nó bất ngờ vồ cắn các cháu thì không ai trở tay kịp. Mà ai biết chó đấy được tiêm phòng dại chưa.

Anh Dương Tuấn Anh ở Bạch Mai cũng bức xúc: Pháp luật đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó. Người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thẩn để tránh trường hợp chó tấn công người, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

"Đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp siết chặt quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân dẹp bỏ phong trào nuôi chó tự phát và nguy hiểm này càng sớm càng tốt. Cứ tình trạng như thế này diễn ra sẽ còn nhiều người trở thành nạn nhân của những con chó hung dữ như trên. Đặc biệt là nạn chó dại cắn người vẫn âm thầm và liên tiếp gây ra những cái chết thương tâm", anh Tuấn Anh nói.

Những e ngại này hoàn toàn có cơ sở. Trước vụ đàn chó dữ tấn công, cắn xé người đàn ông ở ngõ 41 Hồng Hà, tại Hà Nội đã xảy ra hàng loạt vụ việc tương tự. Năm 2013, tại Sóc Sơn, Hà Nội đã có 97 trường hợp bị chó thả rông không rọ mõm lao vào tấn công, cắn xé. Trong khi thời điểm đó, một số con chó cắn người đã có biểu hiện mắc bệnh dại và đã chết... Nỗi lo, sự ám ánh về bệnh dại đã khiến người dân ở đây thành lập các tổ công tác, cứ thấy chó thả rông là tiêu diệt tại chỗ.

Và cách đây hai năm, Hà Nội xuất hiện hai trường hợp tử vong vì bệnh dại lên cơn do chó dại cắn thuộc hai xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ và xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Bà Lợi nạn nhân của những con chó nhà anh Duy. Ảnh Trí thức trẻ.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp  - Đoàn luật sư TP Hà Nội: Người nuôi chó phải có trách nhiệm quản lý chó nuôi của mình được quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Nếu thả rông cũng sẽ bị xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 5  Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Như vậy pháp luật đã có những quy định về việc nuôi, thả chó nhưng các chủ nuôi vẫn vô tư thả rông vật nuôi của mình để đi dạo, đi vệ sinh mà không xích lại nên tai nạn thương tâm vẫn thường xảy ra.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch hội động vật học Việt Nam: Theo luật pháp Việt Nam thì được phép nuôi chó nhưng phải có quy trình nuôi như đăng ký, hoặc chế độ nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái của vật nuôi, kiểm kịch trước khi nuôi và nguồn gốc chó phải rõ ràng.

Tuy nhiên tại Việt Nam thì nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Nếu ở Mỹ hoặc một số nước phương Tây họ có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: Nguồn gốc, gia chủ, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở Việt

Nam chưa có đơn vị nào quản lý. Hiện Nhà nước ta mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì chưa có quy định cấm nuôi.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news