Tin mới

43 năm thảm kịch máy bay Mỹ chở trẻ em Việt Nam gặp tai nạn kinh hoàng

Thứ tư, 04/04/2018, 09:39 (GMT+7)

Ngày 4/4/1975, chiếc máy bay vận tải C-5 Galaxy chở hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến dịch Babylift đâm xuống đất vỡ tan, khiến 153 người thiệt mạng.

Ngày 4/4/1975, chiếc máy bay vận tải C-5 Galaxy chở hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến dịch Babylift đâm xuống đất vỡ tan, khiến 153 người thiệt mạng.

Tháng 4/1974, khi quân đội của miền Bắc Việt Nam đang áp sát Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã ra lệnh cho máy bay của Bộ Chỉ huy Không vận Quân sự đến một trong những sân bay cuối cùng ở Sài Gòn để di tản công dân và những người Việt thân Mỹ. Hàng nghìn trẻ được cho là trẻ mồ côi Việt Nam hoặc con lai, từ sơ sinh cho đến vài tuổi, đã rời đất nước trên những chuyến bay thuộc "Chiến dịch Không vận Trẻ em" (Babylift).

Từ ngày 4/4 đến 26/4, quân đội Mỹ sử dụng 24 máy bay cùng một số phi cơ được các tổ chức Từ thiện tư nhân thuê chở đưa gần 3.000 trẻ em rời Việt Nam.

Chiều 4/4, chiếc C-5 mang số hiệu 68-0218 do cơ trưởng Dennis "Bud" Traynor điều khiển xuất phát từ căn cứ không quân Clark ở Philippines, bay đến Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ. Do là một máy bay vận tải nên có rất ít ghế ngồi và mặt nạ dưỡng khí cho hành khách.

Cơ trưởng Dennis "Bud" Traynor.

Máy bay cất cánh với 229 trẻ em và 85 nhân viên y tế cùng tổ bay, và một số nhân viên đại sứ quán Mỹ di tản bí mật. Hầu hết trẻ em ở trong khoang binh sĩ, phần còn lại phải ngồi dưới khoang hàng hóa. Lịch trình của chuyến bay sẽ là từ Tân Sơn Nhất tới Philippines rồi bay tiếp đến San Francisco, Mỹ.

"Các thanh kê tay đã được tháo bỏ nên chúng tôi có thể đặt hai em trên một ghế, 6 em một hàng. Chúng tôi đã cố gắng để đưa gần hết các em nhỏ lên tầng trên và các em lớn tuổi hơn ở tầng dưới", y tá chuyến bay Regina Aune kể lại trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Hơn 12 phút sau khi cất cánh, thảm họa ập đến khi ba ổ khóa giữ thang máy bay lại không được khóa, khiến nó trở nên lỏng lẻo. Điều này đã khiến cửa áp suất bị bung khỏi chiếc C-5 ở độ cao hơn 7.000 m. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự cố là "một tiếng nổ lớn và buồng lái mờ đi".

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi cửa áp suất va đập vào thân máy bay, phá vỡ nhiều bộ phận quan trọng. Khoang hàng hóa báo cáo rằng "cả phần sau của máy bay đã bị rời ra" và các dây cáp bị đứt lủng lẳng".

Áp suất không khí giảm nhanh chóng, hành khách bị xô ngã và nhiều người bị thương. Một vài nhân viên phi hành đoàn ngồi gần cửa bị hút ra ngoài không trung. Những người còn lại đều bất tỉnh do thiếu dưỡng khí. Lúc đó, C-5A đang ở vùng trời biển Vũng Tàu.

Tổ lái nhận ra đã mất kiểm soát với máy bay và tình hình càng tồi tệ khi thêm nhiều bộ phận quan trọng bị vỡ, với phần sau bị rơi và các dây cáp bị đứt.

Cơ trưởng Traynor quyết định quay đầu trở lại Sài Gòn và hạ độ cao từ từ. Khi còn cách sân bay 5km, Traynor quyết định hạ càng, cua vòng để đưa C-5A hướng về đường băng. Nhưng máy bay nhanh chóng mất độ cao, lao xuống đất với tốc độ 500km/giờ, lao vào một đầm lầy cách đường băng hơn 3 km, rồi đâm vào đê, bật ngược lại lên không trung và băng qua sông Sài Gòn.

Cuối cùng, nó đâm xuống mặt đất, trượt dài hơn 300 m, trước khi dừng lại ở một cánh đồng lúa Cát Lái (nay là quận 2, TPHCM) và vỡ thành 4 mảnh: đuôi, khoang bay, khoang binh sĩ và cánh. Điều kỳ diệu chính là khoang binh sĩ còn nguyên vẹn. Các phi công nhanh chóng giải cứu những người còn sống sót. Các y tá loạng choạng bước ra từ khoang binh sĩ và bắt đầu bế những đứa trẻ giao cho lực lượng cứu hộ. 

 

Hiện trường tan hoang của vụ tai nạn. Ảnh: Peter Alanl Loyd

Trực thăng cứu hộ có mặt ngay sau đó nhưng thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của 153 người bao gồm 76 trẻ Việt Nam (có tài liệu nói 78 hoặc 79 em). Hơn 170 người trong đó có 150 trẻ mồ côi may mắn sống sót. 

Cơ trưởng Dennis Traynor, cơ phó Tilford Harp và đại úy Keith Malone, một phi công vừa hoàn thành khóa huấn luyện lái C-5, là những người ngồi trên khoang lái và họ những tưởng tất cả đều đã chết.

Những đứa trẻ may mắn sống sót trong tai nạn. Ảnh: Peter Alanl Loyd

Các nhà điều tra Mỹ nghi có bàn tay phá hoại trong vụ tai nạn thảm khốc. Hãng sản xuất Lockheed "tố" Không lực Mỹ không bảo dưỡng máy bay đúng cách, trong khi các luật sư cho rằng Lockheed có sơ suất trong thiết kế.

Sau vụ tai nạn, Không quân Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch không vận. Tổ bay và các nhân viên y tế được ca ngợi là những anh hùng vì vừa cứu máy bay vừa cứu các nạn nhân.

Trong nhiều năm sau đó, C-5 bị hạn chế chở khách ở khoang hàng hóa. Các vị trí điều khiển chuyến bay và các đường ống thủy lực được thay đổi.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news