Những lợi ích hấp dẫn về mặt chiến lược đang chờ đón Mỹ ở APEC Việt Nam 2017 vào cuối năm nay.
Sau một loạt những câu hỏi về lịch trình bận rộn trong năm nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuối cùng, Nhà Trắng đã chính thức xác nhận, Tổng thống Trump sẽ tham dự một loạt Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Việt Nam và Hội nghị Đông Á (EAS) ở Philippines vào tháng 11.
Chuyên gia phân tích Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat cho rằng, đây là năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump và được coi là thời điểm quý báu mà ông nên tận dụng cơ hội để giải tỏa những lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, cũng như bắt đầu định hình hướng cách tiếp cận mới với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Có nhiều lợi ích dành cho Mỹ khi tham dự APEC 2017. |
Chuyên gia phân tích Prashanth Parameswaran đã chỉ rõ 5 lý do chứng minh quyết định đến Việt Nam dự APEC năm nay là lựa chọn sáng suốt của nhà lãnh đạo Mỹ.
Thứ nhất, như đã nêu ở trên, việc ông Trump tham dự Hội nghị ở Việt Nam và Philippines sẽ làm giảm những hoài nghi về cam kết của Mỹ với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Hồi đầu năm nay, Mỹ đã thể hiện sự quan tâm với châu Á thông qua một số chuyến thăm của quan chức Nhà Trắng, nhưng điều này chưa khiến các nước trong khu vực hiểu rõ về lập trường mới của Mỹ.
Do đó, một chuyến công du của người đứng đầu nước Mỹ của Tổng thống Trump đến Hội nghị cấp cao APEC hay EAS sẽ mang đến ý nghĩa rõ ràng và cụ thể hơn.
Một số nước, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á cảm thấy lo ngại những Chính sách mới của chính quyền Trump quá tập trung vào chống khủng bố, ứng phó với Trung Quốc, thậm chí dồn lực nhiều hơn cho Trung Đông mà quên đi cơ hội hợp tác kinh tế và làm suy yếu quan hệ với các đối tác.
Thứ hai, chuyến đi của ông Trump có thể phát đi một tín hiệu rõ ràng về cách mà Washington tiếp cận các cơ chế đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương như thế nào.
Tổng thống Trump luôn thể hiện rằng ông không mặn mà với những hợp tác đa phương ở châu Á khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không nhắc nhiều đến ASEAN trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cho đến hiện tại đã điều hòa lập trường của mình một cách khá hợp lý.
Ông Trump từng chỉ trích không thương tiếc NATO trong chiến dịch tranh cử và dọa rút Mỹ ra khỏi nhóm này. Dẫu vậy, ông chủ Nhà Trắng vẫn quyết định dự cuộc gặp Thượng đỉnh NATO hồi tháng 5 năm nay.
Chuyên gia Parameswaran cho rằng, ASEAN không giống như NATO, nhưng nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn tìm kiếm một cách tiếp cận tinh tế, họ nên tận dụng Hội nghị APEC và EAS trong thời điểm trùng với kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ Mỹ-ASEAN để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC Việt Nam 2006. |
Thứ ba, chuyến đi của ông Trump sẽ thể hiện rõ chiến lược đầu tư và định hướng thương mại của Mỹ ở châu Á hậu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra sao.
Việc ông Trump quyết định từ bỏ TPP có thể coi là một đòn giáng mạnh vào kinh tế và chiến lược của Mỹ bởi nó có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Do đó, Washington sẽ cần tìm kiếm các đối tác song phương cụ thể tại nơi đây để cân bằng trở lại.
Ngoài đối tác chính là Nhật Bản, Việt Nam cũng nổi lên là một cái tên tiềm năng mà chính Mỹ đã nhận thấy khi từng là một trong những thành viên của TPP.
Không phải ngẫu nhiên mà trong APEC năm 2006 tại Hà Nội, ông Bush đã nhìn ra những viễn cảnh phù hợp với lợi ích của Mỹ tại khu vực này để thúc đẩy quá trình thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), khuyến khích mở cửa và thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Thứ tư, nhân cơ hội vào tháng 11 tới, chính quyền của ông Trump có thể thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Philippines, hai quốc gia đang có vai trò nổi bật trong khu vực Đông Nam Á năng động.
Philippines vốn là một trong những quốc gia nằm trong liên Minh Quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương và cả hai đã củng cố vị thế then chốt cho sự hiện diện của quân đội Mỹ bằng việc ký kết hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA).
Trong khi quan hệ Mỹ-Việt đã mở ra những cánh cửa mới về hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, trong chuyến thăm năm ngoái của cựu Tổng thống Obama.
Thứ năm, Tổng thống Trump có thể bắt đầu giải quyết những mối hoài nghi xung quanh cách mà chính quyền của ông sẽ cân bằng lý tưởng và lợi ích như thế nào trong chính sách châu Á thông qua chuyến thăm Việt Nam, Philippines.
Tuy nhiên chuyên gia phân tích Parameswaran lưu ý rằng, việc tham dự hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á không hẳn là không có những yếu tố tiềm ẩn.
Với một người có tính cách khó đoán như Tổng thống Trump, rất có thể sóng gió sẽ nổ ra sau những tuyên bố gây tranh cãi trên Twitter khi ông đến châu Á.
Hoặc trong lúc gặp gỡ Tổng thống Philippines Duterte, nhà lãnh đạo Mỹ có thể có những phát biểu mất bình tĩnh.
Ông Duterte vốn được biết đến là một người có những phát biểu thằng thắn và thường xuyên chỉ trích Washington trong thời gian gần đây.
Nhưng hiện tại, những lợi ích hấp dẫn về mặt chiến lược vẫn đang chờ đón Mỹ ở APEC Việt Nam vào cuối năm nay.
Quốc Vinh