Năm qua đối với ngành y tế là một năm đầy biến động khi đạt được không ít những thành tựu nhưng cũng xảy ra không ít những sự vụ gây chấn động dư luận trong năm 2016.
1. Nữ sinh lớp 10 bị cưa nhầm chân vì bác sĩ tắc trách
Em Hà Vy bị cưa nhầm chân vì sự tắc trách của bác sĩ. Ảnh: Lao Động |
Ngày 6/3 khi tham gia giao thông bằng xe máy, em Nguyễn Thị Hà Vy (16 tuổi) hiện đang học lớp 10 không may bị tai nạn.
Sau khi được đưa đến BVĐK huyện Cư Kuin (Đak Lak) để cấp cứu, em được các bác sĩ chuẩn đoán bị vỡ mâm chày chân phải nên đã tiến hành bó bột.
Tuy nhiên, đêm cùng ngày bệnh nhân có biểu hiện đau đớn nên gia đình đã báo với bác sĩ đề nghị được hỗ trợ. Nhiều lần gia đình đã xin chuyển viện nhưng bác sĩ không cho.
Sau nhiều ngày không được quan tâm, ngày 11/3, khi BVĐK huyện Cư Kuin đưa bệnh nhân vào phòng mổ nhưng nhận thấy bệnh tình đã nặng nên bệnh nhân mới được bệnh viện đồng ý chuyển viện.
Do quá muộn nên chân của bệnh nhân đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ để có thể giữ được mạng sống.
Mặc dù sau vụ việc, đại diện lãnh đạo BVĐK huyện Cư Kuin đã thăm hỏi và nhận trách nhiệm với gia đình nhưng sự việc vẫn gây nên làn sóng phẫn nộ trước sự tắc trách của bác sĩ và bệnh viện.
2. Bác sĩ mổ nhầm chân còn yêu cầu đòi thêm viện phí
Bệnh nhân Thảo bị bác sĩ phẫu thuật nhầm chân. Ảnh: Vnexpress |
Tối ngày 19/7, GS-TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - cho biết, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ H, phẫu thuật viên chính của kíp mổ nhầm chân cho bệnh nhân giải trình về sự việc.Trước đó, anh Thảo (37 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị liệt thần kinh chày trước, chân trái đi tập tễnh.
Sau khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ tại BV Việt Đức đã chỉ định mổ để điều trị. Ca mổ diễn ra vào sáng ngày 19/7. Tuy nhiên, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ đã mổ nhầm chân trái sang chân phải của anh Thảo.
Điều gây nên bức xúc hơn nữa chính là việc, sau khi biết mình mổ nhầm chân của bệnh nhân, bác sĩ còn yêu cầu nộp tiền thêm thì mới phẫu thuật tiếp chân trái bị bệnh. Gia đình đã làm đơn khiếu nại lên lãnh đạo của bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là sự cố y khoa và đã có chỉ đạo yêu cầu BV Việt Đức làm rõ sự việc và xử lý đối với những cá nhân có sai phạm.
3. Bệnh nhi gãy tay phải, mổ nhầm tay trái
Bệnh nhi bị gãy tay phải, mổ nhầm tay trái. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngày 17/2, cháu Phạm Thành Luân (6 tuổi) trú ở phường Đậu Liêu, TX. Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bị ngã gãy tay (cổ tay phải) được đóng đinh cố định tại BV 115 Nghệ An. Bác sĩ hẹn sau 3 tháng phải quay lại mổ để lấy đinh ra. Đến hẹn, ngày 15/6, chị Lê Thị Thương, mẹ cháu Luân đưa con đến BV 115 Nghệ Am để khám lại.
Tại đây sau khi kiểm tra, các bác sĩ đã tiến hành gây tê và làm tiểu phẫu. Tuy nhiên, khi tiến hành gây tê , bệnh nhi sợ quá nên gia đình buộc phải cho cháu nhập viện để phẫu thuật.
Đáng lẽ bác sỹ và kíp mổ phải phẫu thuật tay phải để lấy nẹp vít ra, nhưng bác sỹ Tuấn và kíp mổ lại tiến hành phẫu thuật tay trái (tay lành lặn) của bệnh nhân.Người nhà của bệnh nhân Luân đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa 115 làm rõ việc mổ nhầm tay phải sang tay trái để rút đinh cho bệnh nhân; đồng thời có đơn trình bày sự việc lên Sở Y tế Nghệ An đề nghị làm rõ vụ việc này.
4. Hai bệnh nhân tử vong sau gây mê ở BVĐK Trí Đức
Hai bệnh nhân tử vong bất thường sau khi gây mê tại BV Trí Đức. Ảnh: VTC |
Ngày 24/12, người đàn ông 34 tuổi đến BV Trí Đức (Lê Duẩn) để khám cổ họng và được bác sĩ chỉ định cắt amidan. Sáng ngày 25/12, anh cùng vợ đến làm thủ tục để làm phẫu thuật. Sau khi được tiến hành gây mê, người đàn ông có những biểu hiện lạ nên đã được các bác sĩ chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu.
Nạn nhân đã tử vong sau đó. Sáng ngày 25/12, một nữ bệnh nhân đến BV Trí Đức làm phẫu thuật tuyến giáp. Sau khi gây mê, chưa phẫu thuật thì tai biến xảy ra. Mặc dù đã được chuyên sang khoa cấp cứu BV Bạch Mai gần đó nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
5. Kéo phẫu thuật bị bỏ quên 18 năm trong bụng bệnh nhân
Hình ảnh siêu âm cho thấy kéo trong ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: Vnexpress |
Ngày 25/12, ông Ma Văn Nhật (54 tuổi) tại Bắc Kạn đã nhập viện sau khi thấy đau nhói ở bụng sau một lần làm việc quá sức. Kết quả siêu âm cho thấy trong ổ bụng của bệnh nhân có chiếc kéo dài khoảng 15cm được cho là chiếc panh chuyên dùng để mổ của ngành y.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây 18 năm ông đã phải làm phẫu thuật (6/1988) sau khi bị Tai nạn giao thông khiến ghi đông xe đâm vào mạng sườn. Ông được chuyển từ BV huyện ra BVĐK tỉnh và được chỉ định phẫu thuật. Sau ca mổ, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, Sở đã chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện làm việc với gia đình người bệnh để đưa ra phương án tốt nhất, quan trọng là phẫu thuật lấy dị vật ra. Dự kiến các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tham gia ca mổ này để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Hồng Hạnh (tổng hợp)