“Thấy công nhân xin đi nhờ xe để vào nhà máy, những người quá khích liên tục lên tiếng chửi bới, bắt họ phải đi bộ, một số khác còn hung hãn kéo công nhân xuống đường và hành hung” – Lái xe Phan Huy Hoàn kể lại.
Vừa qua, tại tỉnh lộ 536 vào khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), hàng trăm công nhân tới làm việc tại Công ty TNHH Điện tử BSE bất ngờ bị người dân địa phương chặn xe, không cho vào nhà máy làm việc vì lý do “không chịu ở trọ”. Chỉ tới khi lực lượng Công an có mặt, tình trạng lộn xộn tại khu vực này mới được giải tỏa, công nhân mới có thể vào nhà máy làm việc.
Xem video:
Trao đổi với phóng viên sau vụ việc, anh Phan Huy Hoàn – lái xe (đồng thời là chủ của đoàn xe đưa đón công nhân) cho biết, trước hôm xảy ra sự việc chặn xe ở tỉnh lộ 536 hôm 22/6 thì từ cách đó 2 ngày (20/6), người dân khu vực đã có hành vi chặn xe đưa đón công nhân cách đó khoảng gần 3km.
Do vị trí dừng xe cách nhà máy khá xa nên công nhân không thể đi bộ vào khu công nghiệp mà phải xin đi nhờ xe của người đi đường và của các công nhân khác đi xe máy. Thấy vậy, một số người dân khu vực lớn tiếng chửi bới và yêu cầu các công nhân này phải xuống đi bộ. Một số công nhân không “chấp hành” yêu cầu trên thì bị dân lao tới kéo ngã khỏi xe; một số công nhân khác còn bị hành hung ngay giữa đường.
Hơn 500 công nhân bị chặn xe giữa đường vì không chịu ở trọ. Ảnh: báo Giao thông |
Bức xúc trước hành vi “quá khích” của người dân xã Nghi Xá, đồng thời muốn bảo vệ công nhân nên sau khi bị chặn xe suốt 2 ngày, đến ngày 22/6, anh Hoàn cho đoàn xe đưa đón công nhân chạy thẳng vào khu vực cổng nhà máy để công nhân kịp giờ làm việc, đồng thời tránh việc bị hành hung giữa đường. Tuy nhiên, lần này, hàng chục xe chở khoảng 500 công nhân vẫn phải dừng bánh trước khu vực nhà máy vài trăm mét vì bị người dân địa phương lao ra chặn giữ đầu xe.
“Họ chửi bới, lăng mạ, đồng thời còn đe dọa cả nhà xe và công nhân. Sự việc kéo dài từ 7h15 tới khoảng 9h30 sáng cùng ngày. Chỉ tới khi công an có mặt, tình trạng hỗn loạn mới được xử lý. Sau khi được “giải vây”, hơn 500 công nhân mới có thể vào nhà máy làm việc tuy đã bị muộn giờ” – anh Hoàn kể lại. Tuy nhiên, cũng theo lời anh Hoàn, sự việc chưa dừng lại ở đó. Vì sau khi công nhân đã được đảm bảo an toàn và vào làm việc bình thường, thì trên đường quay trở ra từ khu công nghiệp, toàn bộ hơn chục xe lại bị những người dân quá khích chặn lại và tiếp tục gây rối. Chỉ đến khi công an tỉnh có mặt, tình trạng lộn xộn mới được xử lý dứt điểm.
Theo chia sẻ của anh Hoàn, trước đó khoảng hơn chục ngày, nhà xe bất ngờ nhận được “thông báo” từ những người được cho là đại diện của các hộ dân ở 3 xóm 8, 9 và 11 thuộc xã Nghi Xá. Trong “thông báo” có ghi rõ, trước đây, khi thu hồi đất của bà con trong 3 xóm trên, chính quyền sở tại có hứa sau này sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng thực tế, mới chỉ một số ít lao động có được việc làm. Nhiều hộ trong 3 xóm đã phải thế chấp, vay mượn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để xây dựng phòng trọ với hy vọng sẽ cho công nhân thuê để lấy thu nhập. Do đó, việc số lượng xe đưa đón công nhân quá nhiều nên phòng trọ bị bỏ trống khiến dân bức xúc.
““Thông báo” cũng yêu cầu nhà xe phải dừng ngay các hoạt động đưa đón công nhân tại khu công nghiệp Nam Cấm. Nếu trong vòng 7 ngày mà nhà xe không chấp hành thì người dân sẽ cho chặn xe và có các biện pháp “nặng”. Họ cũng nói rõ là nếu xảy ra điều gì thì họ cũng sẽ không chịu trách nhiệm” – anh Hoàn cho biết.
Một số công nhân đi nhờ xe để vào nhà máy còn bị những người quá khích kéo ngã khỏi xe, bị lăng mạ, hành hung giữa đường. Ảnh: Vietnamnet |
Theo lời của anh Hoàn, yêu cầu của người dân Nghi Xá buộc các công nhân phải ở trọ là chuyện khá vô lý. Bởi ở trọ hay không là quyền lựa chọn của công nhân. Hơn nữa, với hoàn cảnh hiện tại của hơn 500 công nhân (đa số là phụ nữ), thì ngoài công việc tại nhà máy, họ vẫn duy trì công việc đồng áng ở địa phương. Ngoài ra, họ còn có gia đình, con nhỏ nên việc phải thuê trọ để đi làm công ty là điều không thể.
“Người dân Nghi Xá yêu cầu công nhân phải ở trọ chỉ để có thêm thu nhập từ việc cho thuê phòng. Nhưng trong khi chỗ làm chỉ cách nhà chưa tới 20 cây số, lương thì mỗi tháng được khoảng 3 triệu mà vẫn phải ở trọ, bỏ lại toàn bộ gia đình, con cái, đồng ruộng và hàng trăm thứ khác ở lại phía sau, đời sống của các công nhân sẽ ra sao? Còn đối với nhà xe, nếu phải ngừng việc đưa đón công nhân, đồng nghĩa với việc chúng tôi cũng bị chặn đường kiếm sống trong khi bản thân lại không làm gì sai trái. Do đó, tôi nhận thấy, người cho thuê phòng trọ ở đây chỉ biết nghĩ tới cái lợi của riêng bản thân mình!” – Anh Hoàn nhận định.
Liên quan tới vụ việc, Trưởng công an xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) - ông Hoàng Duy Dương cho hay, tại địa bàn Nghi Xá hiện có hơn 1.000 phòng trọ của các hộ dân đầu tư xây dựng phục vụ công nhân. Tuy nhiên, công nhân không ở mà thuê xe đưa đón. Sau khi xảy ra chuyện chặn xe, xã đã tuyên truyền để người dân hiểu việc chặn xe là sai trái.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuệ (Trưởng công an huyện Nghi Lộc) cũng cho biết, cơ quan điều tra đã triệu tập 4 người có hành vi gây rối để làm rõ.
Vũ Đậu