Tin mới

6 triệu con heo ăn chất cấm: Thiếu chế tài hay thừa chiêu "lẩn" trách nhiệm?

Thứ sáu, 25/03/2016, 17:33 (GMT+7)

6 triệu con heo ăn chất cấm salbutamol và được tiêu thụ tại thị trường Việt nhưng lãnh đạo các cơ quan liên quan vẫn còn loay hoay phương hướng giải quyết dù đó là lĩnh vực chuyên trách.

6 triệu con heo ăn chất cấm salbutamol và được tiêu thụ tại thị trường Việt nhưng các cơ quan chuyên trách vẫn còn loay hoay phương hướng giải quyết dù đó là lĩnh vực cơ quan mình phụ trách.

Vừa qua, báo chí đồng loạt phản ánh vụ việc nhiều doanh nghiệp bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý để xin nhập khẩu salbutamol về sản xuất thuốc nhưng thực chất là bán ra ngoài cho người chăn nuôi. Cùng với đó, gần 6 triệu con heo ăn phải loại thức ăn được trộn với chất salbutamol đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Thông tin này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang bởi những ẩn họa sức khỏe khôn lường khi ăn loại thịt "pha chất độc" này.

Thông tin 6 triệu con heo ăn chất cấm chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam khiến người tiêu dùng hoang mang

Những tưởng sau khi phát hiện chất cấm bị tuồn bán ra ngoài cho ngành chăn nuôi với số lượng lớn như vậy, lãnh đạo các cơ quan chuyên trách phải khẩn trương thanh kiểm tra vụ việc vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, an toàn tính mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, lãnh đạo các cơ quan chuyên trách lại thể hiện sự phối hợp thiếu đồng bộ, lúng túng ngay trong lĩnh vực mà mình quản lý.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, TS.BS Trần Bá Thoại - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam cho biết, tính ra Việt Nam chỉ cần khoảng 10kg  salbutamol mỗi năm là đủ để làm thuốc phục vụ chữa trị hen phế quản ở người trưởng thành. Như vậy, với nhu cầu chỉ khoảng 10kg nhưng salbutamol lại được nhập về với số lượng gấp hơn 9 tấn là thực tế khó hiểu.

Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Thế nhưng, việc để "lọt" số lượng chất cấm salbutamol với khối lượng khủng như trên đã thể hiện cơ chế quản lý lỏng lẻo việc cấp phép của cơ quan này. Là cơ quan nắm rõ nhất nhu cầu salbutamol trong nước nhưng Bộ vẫn ký cấp phép nhập  salbutamol về lớn gấp 900 lần nhu cầu. Vậy ngoài lượng được sử dụng phục vụ mục đích y tế, Bộ có quan tâm tới khối lượng chất cấm salbutamol sẽ trôi nổi về đâu?

Trong quá trình chăn nuôi, chất Salbutamol có tác dụng tạo nạc nên nhiều người sử dụng. Ảnh minh họa

Còn sau khi xác định được nguồn cung chất cấm được nhập khẩu chính quy, giải pháp mà Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt đưa ra là: "Các cơ quan chức năng đã đi kiểm tra tại kho của các nhà máy và giám sát chặt chẽ quá trình tiêu thụ lượng tồn kho. Do đó, thời gian tới, nguồn cung chất này ra thị trường sẽ giảm mạnh". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Bộ lại chỉ kiểm tra và giám sát nhằm giảm nguồn cung trong thời gian tới mà không tiến hành kiểm tra việc một lượng lớn chất cấm đã được tiêu thụ như thế nào? Có đúng với yêu cầu nhập khẩu hay không?...

Mặc dù vụ việc thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của cả hai Bộ nhưng việc làm rõ các vấn đề như: Tại sao doanh nghiệp lại có thể dễ dàng bán chất cấm cho các hộ chăn nuôi? Doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu chất cấm? Bộ chỉ cho phép nhập khẩu để làm thuốc nhưng tại sao chất này lại xuất hiện ở các trang trại chăn nuôi... lại khiến cho cả hai cơ quan "loay hoay". Phải chăng là do thiếu chế tài xử lý vi phạm hay vì một lý do nào khác?

Một thương lái tiết lộ, cứ vào gần thời điểm xuất chuồng thì các chủ trại sẽ có cách đối phó với các loại máy kiểm tra chất cấm của cơ quan chức năng. Nắm bắt  thực tế này, việc cơ quan chuyên trách tiến hành kiểm tra các trang trại đột xuất sẽ hạn chế rất lớn lượng lợn nhiễm độc được đưa ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, theo tiết lộ của đại diện Hiệp hội chăn nuôi, mỗi năm, việc kiểm tra này chỉ được tiến hành vài ba lần nên việc "khó kiểm soát" là điều dễ hiểu.

Như đã đưa tin, theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (Bộ Công an), trong năm 2015, có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu khoảng 9 tấn salbutamol vào Việt Nam. Trong đó, 3 tấn đang được lưu giữ tại kho của các doanh nghiệp, 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ 10kg được sử dụng theo đúng quy định là sản xuất thuốc dành cho người.

Được biết, những chất cấm này được đưa vào sử dụng trong chăn nuôi heo suốt nhiều năm qua, mục đích là để tăng trọng và tạo nạc. Điều đáng nói, gần như toàn bộ thịt heo này đều được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Salbutamol được biết đến như nguyên liệu được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn nhưng trong quá trình chăn nuôi, chất này lại có tác dụng tạo nạc nên nhiều người sử dụng. Salbutamol bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam và nhiều nước khác vì đây là chất độc nguy hiểm.

Khi được cho ăn thức ăn có chứa salbutamol (hoặc các chất clenbuterol, ractopamine) với một tỷ lệ nhất định, heo sẽ tăng trọng nhanh, giảm mỡ, tăng nạc. Tuy nhiên, người tiêu dùng ăn phải thịt heo có tồn dư các chất trên sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu tới tim mạch, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa... thậm chí có thể bị nguy hiểm tính mạng.

Vũ Đậu

Salbutamol được biết đến như nguyên liệu được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn nhưng trong quá trình chăn nuôi, chất này lại có tác dụng tạo nạc nên nhiều người sử dụng
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news