Tính đến 11h40 sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận 652 ca mắc COVID-19, 374 ca đã điều trị khỏi (57,4%), 8 trường hợp tử vong (1,1%). Ngoài ra, hiện có khoảng 13 trường hợp mắc Covid-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca.
Binh chủng hoá học khử khuẩn nhiều quận ở Đà Nẵng. Ảnh: TQ
Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, có nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.
Do Đà Nẵng mất dấu về ca bệnh F0 nên không xác định được nguồn lây, không xác định được thời điểm diễn ra. Vì vậy, điều lo lắng hiện nay là hệ số lây nhiễm có thể sẽ tăng theo cấp số nhân và dự báo số ca mắc Covid-19 lưu hành ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác sẽ vẫn còn tăng. Ảnh: PLO
Trên VGP dẫn lời GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong theo tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy: Tỉ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8%; trên 80 tuổi tử vong là 14.9 %. Tại Ý, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi.
Các cơ sở y tế cần quyết liệt siết chặt người ra vào để tránh lặp lại tình trạng tương tự như tại BV Đà Nẵng. Ảnh: Zingnews
Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước : Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, COPD, suy giảm miễn dịch….
"Tại Việt Nam, 8 bệnh nhân COVID-19 tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh COVID-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng", GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh và dẫn chứng bệnh nhân số 499 tử vong mới đây, bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị hóa chất.
Hệ thống bạch cầu giống như hệ thống bảo vệ thì nay sinh ra bạch cầu bất thường, không có chức năng bảo vệ. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng, rơi vào tình trạng sốc không phục hồi được. Vì thế, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do COVID-19, mắc thêm bệnh COVID-19 nữa giống như "giọt nước làm tràn ly”.
Các chuyên gia nhận định thực tế, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8-2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng.
Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.
Trên Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, rất "không may", đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm gồm: bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức.
"Đây là nhóm bệnh nhân dù không mắc COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường như hiện tại, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus", BS. Cấp nói.