Tin mới

9 lần vỡ ống nước, UBND TP Hà Nội vẫn giao Vinaconex thi công

Thứ ba, 29/07/2014, 19:30 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 29/7, vấn đề được quan tâm hơn cả vẫn là việc tại sao UNBD thành phố Hà Nội lại giao tiếp tục giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà thứ 2 sau 9 lần liên tiếp vỡ đường ống ở tuyến ống số 1.

 

 

(Tinmoi.vn) Trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 29/7, vấn đề được quan tâm hơn cả vẫn là việc tại sao UNBD thành phố Hà Nội lại giao tiếp tục giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà thứ 2 sau 9 lần liên tiếp vỡ đường ống ở tuyến ống số 1. 

Trả lời thắc mắc của báo giới, đại diện UBND thành phố là ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố khẳng định, việc giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà thứ 2 là theo ý kiến của Thủ tướng chính phủ trước đó và theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Trước khi đưa ra quyết định, UBND thành phố cũng đã nghiên cứu rất kĩ, và việc tiếp tục giao cho Vinaconex là quyết định phù hợp.

Đai diện UBND thành phố cho biết: “Trước đó, trong những cuộc họp trước, UBND thành phố cũng đã nhiều lần đề xuất việc cho xây dựng một đường ống cấp cứu để làm giảm áp lực cho đường ống số 1, kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu của Bộ xây dựng, UBND thành phố cũng đã xem xét kĩ và quyết định cùng Bộ xây dựng tạo điều kiện cho Vinaconex nhanh chóng thực hiện sớm giai đoạn 2”.

“Nếu xây dựng tuyến ống cấp cứu, thì chắc chắn UBND thành phố sẽ phải lấy tiền từ ngân sách nhà nước ra để làm. Còn khi đã giao cho Vinaconex, thì doanh nghiệp này sẽ phải tự bỏ “tiền túi” ra để thực hiện dự án. Tuyến đường ống cấp nước hay nhà máy nước sông Đà là đều do doanh nghiệp đầu tư, tiền cũng là của doanh nghiệp chứ không phải tiền ngân sách nhà nước” – ông Thịnh giải thích.

Đưa vào hoạt động từ năm 2009, đường ống đã 9 lần bị vỡ.

Về thắc mắc tại sao lại là chọn chủ đầu tư dự án xây dựng đường ống nước sông Đà số 2 là Vinaconex mà không phải đơn vị khác, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho rằng: “Khi đó, Vinaconex là đơn vị duy nhất tổ chức cấp nước từ sông Đà về Hà Nội. Trong quá trình đầu tư, họ đã có rất nhiều kinh nghiệm, vỡ đường ống là việc xảy ra ngoài mong muốn, chúng ta cũng không mong muốn xảy ra. Trước sức ép của nhân dân, trước yêu cầu về sử dụng nước sạch, và Thành phố Hà Nội là cơ quan yêu cầu Vinaconex bán nước sạch thì họ phải có trách nhiệm.

Thành phố đã xem xét và thấy rằng, việc xây dựng đường ống sông Đà số 2 hoàn toàn có thể giao cho Vinaconex”.

Tin tưởng đơn vị này sẽ làm tốt hơn ở dự án xây dựng tuyến ống số 2, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Đường ống dẫn nước sạch sông Đà giai đoạn 1 được làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh, và không ngờ nó lại liên tiếp bị vỡ như vậy. Nhưng đường ống số 2 sẽ làm bằng vật liệu thép xoắn, công nghệ Nhật Bản, nên chắc chắn sẽ có đảm bảo hơn”.

Nhận trách nhiệm trong dự án lần này, Tổng Công ty Vinaconex cũng đảm bảo trong 3 tháng đầu sẽ làm xong 15km, sau 6 tháng sẽ hoàn thành nốt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh: “Việc giao cho Vinaconex tiếp tục triển khai dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn nước sông Đà thứ 2 thì tiền đầu tư là của Vinaconex bỏ ra, chứ thành phố không chi một đồng nào tiền từ ngân sách hay tiền thuế của người dân để giao cho một đơn vị đã từng mắc sai phạm nhiều lần”.

"Đắp" tiền tỷ để sửa chữa công trình nghìn tỷ

Đường ống nước sạch sông Đà do công ty Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) làm chủ đầu tư. Hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội cung cấp nước cho khoảng 70 nghìn hộ dân. Dự án được đầu tư với kinh phí 1.500 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009. Thế nhưng, qua 6 năm hoạt động, đường ống đã 9 lần gặp sự cố.

Trả lời trên báo chí, đại diện của Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho hay, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống bị vỡ, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 lần xảy ra sự cố, Công ty CP Nước sạch Vinaconex phải "đắp" hàng chục tỷ để sửa chữa công trình trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Thuận Phong

Xem thêm clip có thể bạn quan tâm:

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news