(Tinmoi.vn) Tính đến nay, ông Trầm Bê đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để xây 9 ngôi chùa cho bà con Khơ Me.
Mới đây, sau khi bỏ ra 12 tỉ đồng để xây ngôi chùa thứ 9 tại Campuchia, người kiến trúc sư cùng ông Trầm Bê xây chùa đã tiết lộ những thông tin thú vị. Theo đó, ông Trầm Bê đã bỏ ra để xây dựng 9 ngôi chùa có con số hơn trăm tỷ. Cụ thể, Chùa Vàm Ray (50 tỷ), chùa Cà Hom (10 tỷ), chùa Ba Sát (6 tỷ), chùa Bến Có (4 tỷ), chùa Mới (7 tỷ), chùa Phnô Đôn (còn gọi là chùa Cò - 7,5 tỷ), chùa Tà Điêu (6 tỷ)... 7 ngôi chùa vừa kể đều tọa lạc tại tỉnh Trà Vinh, quê hương của đại gia Trầm Bê. Ngoài ra, vị đại gia này còn bỏ ra 6 tỷ để xây một ngôi chùa ở Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Đều từng là những ngôi chùa cũ nát, dân không có tiền xây?
Ông Sơn Song Sơn, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ từng có những tâm sự rất tâm huyết về việc xây chùa của ông Trầm Bê.
Ông Sơn khẳng định 141 chùa Khmer ở Trà Vinh, có khoảng hơn 130 chùa có chánh điện tồn tại hơn 100 năm, còn chánh điện xây dựng ban đầu bằng vách lá, tường vữa, cột gỗ đã mục nát, đổ nát theo thời gian, hư hỏng do chiến tranh tàn phá, không thể nào sửa chữa được.
Bà con thấy chùa xuống cấp quá, chỉ biết vái trời, vái Phật… Chùa xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào, phải dỡ ra. Dỡ ra thì được rồi, nhưng tiền đâu xây? Đi xin kinh phí ai?
“7 ngôi chùa mà Trầm Bê rộng lòng bỏ tiền tỉ ra xây, đều là chùa cổ bằng vữa, cột gỗ, đã mục nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, không thể trùng tu được nữa, phải xây mới hoàn toàn, ngay cả móng nền cũng bị sụt lún, phải làm lại. 7 ngôi chùa này đều được xây trên nền cơ sở văn hóa của ngôi chùa cũ”, ông Sơn cho biết.
Mang kiến trúc Angkor của người Campuchia
Các ngôi chùa có dấu ấn ông Trầm Bê có một điểm chung là mang kiến trúc Angkor của người Campuchia với những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma - vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit.
Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật. Theo triết lý của người Khơ me, đó là những thử thách đối với phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang đều chạm trổ họa tiết có thần rắn Naga, vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.
Các bức tượng chằn đặt trong chùa - bởi người Khơ me tin rằng loài vật này được Đức Phật thu phục để phục vụ cho chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chùa do ông Trầm Bê xây dựng đã làm mất đi tính cổ kính vốn có. Một người con của tỉnh Trà Vinh đã "buồn bã" nói về chùa Cò (chùa Giồng Lớn) sau khi được ông Trầm Bê tu sửa như sau: "Ngôi chùa cổ êm đềm đã thật sự biến mất, thay vào đó là một ngôi chùa mới màu sắc sặc sỡ, dáng dấp như một ngôi chùa của Thái Lan với mặt sân tráng nền bê tông hắt nóng hầm hập, với lối kiến trúc nửa hiện đại, nửa lai căng, với các cầu thang cuốn bằng inox sáng lóa".
Phần lớn các ngôi chùa có ảnh gia đình ông Trầm Bê?
Một khảo sát chưa đầy đủ của các cơ quan thông tấn báo chí cho thấy, 3 trong số 9 ngôi chùa ông Trầm Bê bỏ tiền công đức ra xây đã treo hình của gia đình ông Trầm Bê.
Cụ thể, ở thời điểm năm 2013, tại chùa Giông Lớn (còn có cái tên khác là chùa Cò, thuộc ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú), một khuôn hình khổ lớn của gia đình ông Trầm Bê được dán chắc chắn ở tiền sảnh: “Gia đình ông Trầm Bê & bà Viên Đông Anh phát tâm xây dựng ngôi chánh điện...”, với đầy đủ thông tin như ngày khởi công, ngày hoàn thành, tên cùng địa chỉ tọa lạc của ngôi chùa... Phía sau và hai bên ngôi chánh điện cũng treo hình, chạm trổ họ tên của người thân, gia tộc ông Trầm Bê. Trên gian bên trái và cổng ra nằm kề bên ngôi chánh điện cũng có hàng chữ nổi tiếng Khmer và tiếng Việt màu đỏ nổi bật: “Gia đình ông Trầm Bê xây dựng năm 2007”.
Tại ấp Vàm Ray A, xã Hàm Tân, ngôi chùa Vàm Ray, cũng có nhiều dấu ấn của ông Trầm Bê. Cụ thể, lối vào cửa phụ hông bên phải của chánh điện, trên vách có khắc tên, ảnh của cha một ông Trầm Bê là ông Dương Quơ (1908-2000), mẹ một ông Trầm Bê (bà Trầm Thị Sinh, 1925-1999), cùng với của ảnh người mẹ lớn của ông Trầm Bê là bà Thạch Thị Sinh. Lối vào cửa phụ bên hông trái của chánh điện là bảng công đức của 3 người con ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa như những bảng vàng. Còn lối vào cửa hậu của gian chánh điện này, cũng giống như ở chánh điện chùa Giồng Lớn, treo một tấm ảnh cả gia đình ông Trầm Bê gồm ông Trầm Bê, vợ cùng 2 người con.
Chùa Cà Hom nằm cách chùa Vàm Ray khoảng 4 cây số, cũng thuộc địa phận xã Hàm Giang. Đây cũng là ngôi chùa được gia đình ông Trầm Bê bỏ tiền “công đức” xây dựng lại vào năm 2007. Tại đây, hình ảnh gia đinh ông Trầm Bê cũng được treo ở những vị trí tương tự như ở chùa Vàm Ray, tức ở ngoài tiền sảnh.
Bên cạnh các ý kiến chỉ trích, thì việc treo hình gia đình ông Trầm Bê lại nhận được sự đồng thuận của nhà chùa và người dân các xã.
Ông Nguyễn Tấn Sự, 63 tuổi, một đảng viên ờ xã Hàm Giang (xã Hàm Tân, Trà Vinh) bày tỏ quan điểm: "Sư sãi, bà con phật tử đã xin ông Trầm Bê kinh phí để sửa chữa. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn vào việc làm tốt của ổng, chứ đừng quá khắt khe, xét nét... Một cái biển công đức, một tấm hình để ghi ơn ổng cũng không có gì là quá đáng”.
Nam Nam