Tin mới

Á hậu, MC "đi khách" giá ngàn USD: Nhiều cuộc thi sắc đẹp nhằm mục đích kinh doanh

Thứ hai, 10/09/2018, 10:24 (GMT+7)

PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đã có trao đổi thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin xoay quanh thông tin Á hậu, MC dính nghi án bán dâm nghìn USD.

PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đã có trao đổi thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin xoay quanh thông tin Á hậu, MC dính nghi án bán dâm nghìn USD.

Đường dây gái gọi cao cấp toàn Á hậu, MC, người mẫu, sinh viên... bán dâm với giá cao tới 25.000 USD vừa bị Công an TP.Hồ Chí Minh triệt phá, một lần nữa làm dư luận sửng sốt.

Chuyện những người "của công chúng" - biểu tượng của cái đẹp (Chân - Thiện - Mỹ) tham gia vào các đường dây bán dâm đã diễn ra nhiều năm nay, nhiều trường hợp bị phát hiện, bị xử lý, thậm chí áp dụng cả chế tài hình sự... Đây không chỉ là câu chuyện đạo đức cá nhân mà còn là vấn đề xã hội, văn hóa, đạo đức của cả một bộ phận đại diện cho cái đẹp.

Trước vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.

Vụ việc Á hậu, MC nổi tiếng dính nghi án bán dâm gây xôn xao dư luận 24h qua. (Ảnh minh họa).

PV: Thông tin Á hậu, MC nổi tiếng dính nghi án bán dâm đang gây xôn xao dư luận. Quan điểm của ông như thế nào về hành động mua bán dâm của một số người nổi tiếng?

PGS.TS Lâm Bá Nam: Luật ở Việt Nam không cho phép tệ nạn mại dâm công khai. Những người mẫu, MC nổi tiếng có được danh xưng đó nhưng lại đi bán nhân phẩm thì tôi không thể hiểu được. Rất nhiều người cho rằng “thuận mua vừa bán” nhưng tôi không ủng hộ cách nhìn đó, nếu cứ cho “thuận mua vừa bán” thì các giá trị đạo đức sẽ bị băng hoại.

Tôi cho rằng, nhân phẩm con người cần phải được giữ gìn, nếu để hiện tượng tràn lan thì còn gì là các giá trị về mặt đạo đức, con người, xã hội. Vì thế, hành động bán dâm này đáng phê phán.

PV: Hiện nay, danh xưng “Á hậu, hoa hậu” rất nhiều, vậy theo ông việc tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp sẽ gây nên những hệ lụy như thế nào?

PGS.TS Lâm Bá Nam: Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ các cuộc thi về sắc đẹp lại nhiều như vậy. Tôi có cảm giác, hình như họ mở các cuộc thi này nhằm mục đích kinh doanh. Kinh doanh trên sắc đẹp của người con gái.

Các cuộc thi sắc đẹp không phải chỉ đẹp về mặt hình thể, mà còn có các yếu tố về mặt nhân cách con người. Nhưng, ngày hôm nay tôi thấy các cuộc thi về sắc đẹp tràn lan “mọc lên như nấm”. Điều đó, dẫn đến hệ lụy, những người đẹp khi đi thi đạt được những danh hiệu nào đó, họ không còn biết mình là ai. Họ lợi dụng cuộc thi để đánh bóng tên tuổi, không biết giữ gìn danh xưng đó trong đời sống xã hội.

PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng việc dùng danh hiệu để mua, bán dâm là đang hạ thấp các vẻ đẹp mà họ hướng tới.

PV: Thưa ông, phải chăng những người đẹp bán dâm đang làm méo mó, sai lệch đi giá trị của người con gái?

PGS.TS Lâm Bá Nam: Những người đẹp giành được các danh hiệu và dùng danh hiệu đó mua, bán dâm làm kế sinh nhai thì chính là đang làm hạ thấp đi các vẻ đẹp mà họ hướng tới. Trong một chừng mực nào đó, có thể một bộ phận ủng hộ cách làm này, nhưng tôi cho rằng đa phần con người Việt Nam với những hệ giá trị chân chính không ủng hộ điều này.

PV: Khi đã đạt được danh hiệu cao quý, theo ông những người đẹp cần phải làm gì để xứng đáng với danh hiệu của mình?

PGS.TS Lâm Bá Nam: Khi có danh hiệu thì tất nhiên những người đẹp phải giữ gìn danh hiệu, giữ gìn nhân cách, phẩm giá và sắc đẹp. Để làm sao xứng đáng với cái mà mình đã đạt được. Tôi lấy ví dụ như chúng tôi, tuy đã có tuổi rồi nhưng vẫn phải giữ gìn nhân phẩm, tư cách của mình, điều này đảm bảo cho sự trường tồn phát triển quốc gia, dân tộc.

PV: Theo ông, người đẹp trong thời buổi hiện đại cần phải có những phẩm chất như thế nào để phù hợp với văn hóa Á Đông?

PGS.TS Lâm Bá Nam: Cuộc sống hiện đại, không có nghĩa là ta cắt đứt những giá trị truyền thống. Giữa truyền thống và hiện đại. Bất kỳ một con người, một dân tộc nào cũng phải có những gắn kết như vậy, nếu không sẽ bị đứt đoạn. Cho nên, trong quá trình hội nhập, không có nghĩa phải tiếp thu tất cả mọi yếu tố từ bên ngoài, chúng ta chỉ có thể tiếp thu những yếu tố mang tính giá trị từ bên ngoài nhưng phải phù hợp với đời sống xã hội ở Việt Nam.

Vì thế, những người đạt danh hiệu sắc đẹp cần nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về các hệ giá trị mà chúng ta đang theo đuổi. Theo tôi, cái đẹp đáng trân trọng nhưng nhân cách mới làm nên cốt lõi của văn hóa dân tộc.

PV: Xin cám ơn ông

Thanh Lam

Nguồn: Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news