"Việc bán 7 tấn đạn cho người dân không có kiến thức, kinh nghiệm về vũ khí, chất nổ là đáng báo động, thể hiện sự vô trách nhiệm", tướng Lê Mã Lương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bức xúc.
Việc bán lô hàng lên đến 7 tấn đạn cho người không kiến thức, kinh nghiệm về vũ khí, chất nổ là điều không thể chấp nhận được. Ảnh: VTV |
Liên quan đến vụ nổ khiến 2 người chết, 8 người bị thương ở thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh), đến thời điểm này, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Công binh đã đưa ra nhận định ban đầu.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng cho hay, sau khi sự cố nổ kho phế liệu tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) xảy ra, Bộ Tư lệnh Công binh đã thành lập đoàn công tác gồm các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh đến hiện trường kiểm tra và làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh để xác định nguyên nhân ban đầu của vụ nổ.
Đồng thời, sử dụng lực lượng công binh chuyên trách của Lữ đoàn 229, Tiểu đoàn Công binh Vật cản 93 và Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh khắc phục sự cố, tiếp tục thu gom số vật liệu nổ còn vương vãi trên hiện trường, không để lây lan nổ dẫn đến hậu quả tiếp theo.
Qua khảo sát, nắm tình hình các hộ dân xung quanh hiện trường được biết, trước khi xảy ra vụ nổ, tại sân chủ cơ sở phế liệu đã thu gom các loại đầu đạn xếp tạo thành khối và dùng muối rải lên để hủy với mục đích thu kim loại nhằm tái chế.
"Bước đầu đoàn công tác nhận định, vụ nổ do lượng đạn tập trung số lớn các loại đạn 23mm, 14,5mm, 12,7mm (trong đó chủ yếu là đạn 12,7mm), có thể lẫn đạn phốt pho gây cháy, kích nổ toàn bộ khối đạn", Bộ Quốc phòng thông tin.
Sau vụ nổ trên rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao một chủ cơ sở phế liệu bình thường lại có thể thu mua hàng tấn đạn dễ dàng như vậy. Về việc này, trao đổi trên Tri thức trực tuyến thiếu tướng Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khẳng định đơn vị quân đội không được phép bán đạn dược, vật liệu nổ ra bên ngoài.
“Việc chủ cơ sở phế liệu khai rằng mua đạn từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng phải có trách nhiệm làm rõ”, tướng Lương nói.
Theo ông Lương, trong vụ nổ ở Bắc Ninh, cơ quan công an phát hiện chủ yếu là loại đạn 12 ly 7 và 14 ly 5. Quy định của quân đội nói rất rõ những loại đạn nhọn như đạn 7 ly 62, 9 ly, 12 ly 7, 14 ly 5 dù đã loại ra khỏi danh mục chiến đấu nhưng không được bán ra bên ngoài.
Số vũ khí này phải xử lý, tiêu hủy ở vùng an toàn giống như công tác phá bom, mìn…
“Giả sử chủ cơ sở phế liệu khai đúng, 7 tấn đạn được mua từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thì đó là điều đáng báo động. Ai bán đạn cho chủ cơ sở phế liệu thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm, phải xử lý nghiêm”, tướng Lê Mã Lương nói.
Vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng cho rằng, khi số đạn này được đưa ra bên ngoài thì hậu quả khôn lường. Trẻ con chơi ném vào ngọn lửa, viên đạn sẽ nổ tung, đầu đạn bật ra bắn vào người. Khi để lượng lớn trong kho, chỉ cần tác động của tia lửa, số đạn đó sẽ biến thành quả bom khổng lồ.
Việc bán lô hàng lên đến 7 tấn đạn cho người không kiến thức, kinh nghiệm về vũ khí, chất nổ là điều không thể chấp nhận được.
Đồng thời, việc xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 10 người thương vong cũng thể hiện sự tắc trách của chính quyền địa phương.
"Trưởng thôn, công an xã, chủ tịch xã, ban chỉ huy quân sự huyện ở đâu khi những “quả bom” đang chực nổ ở khu dân cư trên địa bàn mình quản lý.
Không loại trừ họ biết nhưng họ cố tình làm ngơ. Họ thờ ơ với tính mạng người dân. Nếu vụ nổ xảy ra vào lúc nhiều người qua lại thì thiệt hại về người sẽ rất lớn”, tướng Lương đặt vấn đề.
Đức Hòa (tổng hợp)