Tôi không mấy ngạc nhiên khi những bài báo gần đây về người Việt ta tự hại lẫn nhau. Từ công nhân phá, đốt nhà máy các công ty Đài Loan, Trung Quốc đến việc thả thuốc chuột và chất nghi là phân người vào cả lô cá xuất khẩu sang Nhật. Điều này không những ảnh hưởng đến một công ty mà còn ảnh hưởng đến một ngành kinh tế của đất nước mà sau cùng là thương hiệu “Made in Việt Nam” mà chúng ta đang cố gây dựng thiện chí trong mắt bạn bè thế giới.
Thực vực từ đạo….
Cái lối sống lo thân trước của phần lớn người Việt mình nó vẫn còn hằn sâu lắm. Tại sao những thói xấu ăn sâu vào nếp suy nghĩ của ta lại “bảo tồn” chúng lâu đến vậy. “Nguyễn Ánh” ngày nay còn rất nhiều. Những giá trị truyền thống tốt đẹp thì đang ngày càng mai một.
Từ những người ít học, kém hiểu biết đến những anh tri thức đầy mình được xếp vào hàng có văn hóa, họ kèn cựa, ăn ngủ không ngon khi nhìn kẻ khác hơn mình. Họ đạp lên nhau, dìm nhau để mà sống. Từ những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng như những người của công chúng còn lên báo mà nói thâm thúy thậm chí chửi thẳng, kêu tên cúng cơm ra mà trì triết nhau. Doanh nghiệp thì bằng nhiều cách không lấy gì làm “quân tử” để chiếm miếng cơm của nhau.
Có lẽ chúng ta cần ngồi lại để xem khái niệm về “kẻ mạnh” thời @ có khác gì với kẻ mạnh thời xuân thu chiến quốc. Hơn ai hết chúng ta hiểu rằng nếu lấy binh đao để trả binh đao sẽ thế nào đúng không? “Thương trường là chiến trường”. Mỗi sáng mở báo mạng là cả loạt tin đưa về các doanh nghiệp lừa lọc lẫn nhau, doanh nghiệp Việt thế chấp cả 1 đống lá khô để lừa vay thế chấp 700 tỷ đồng của 7 ngân hàng Việt hay chuyện các công ty du lịch na ná nhau, họ còn nhái cả thương hiệu và trang web, cách thiết kế tour, chương trình khuyến mại, hợp đồng... khiến khách hàng nhầm lẫn, các siêu thị điện máy bán lẻ vẫn là giá rẻ, giá thấp, phi lợi nhuận... để đánh lại đối thủ. Mục đích chính là giành giật thị phần và tiêu diệt lẫn nhau.
Thật bất ngờ lắm thay cái sự siêu lừa lọc của một người phụ nữ mà ta trước nay vẫn cho là phái yếu làm rúng động dư luận. Họ đều là bậc trí thức đã đi không biết bao nước phát triển trên thế giới để tiếp thu văn minh, để nay họ về lừa lại dân mình. Cái câu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” đã trở thành mặc kệ “Tương lai con em chúng nó”. Đó là một tư tưởng cần báo động ở mức rất nguy hiểm trong các doanh nghiệp Việt nói riêng và người dân ta nói chung.
Tất nhiên muốn giải quyết dứt điểm thực trạng này không phải chuyện sớm chiều, càng không phải là công việc hay trách nhiệm của riêng mình ai. Cũng chẳng có trường lớp nào dạy làm thế nào để đoàn kết và có bộ luật nào của Quốc Hội ban ra để yêu cầu doanh nghiệp Việt cần biết nâng đỡ nhau phát triển. Tìm ra nguyên nhân vì sao sẽ tìm được biện pháp giải quyết.
Để nói đến nguyên nhân của cái nhọt sắp chuyển sang ung thư này thì ta có cả tá, thậm chí cả rổ mà hỏi đến ai cũng có thể nói ra ít nhiều. Văn hóa lúa nước có từ hàng ngàn năm đã khiến người Việt ta có cái bản tính ích kỉ, muốn chiếm hữu là của mình. Nó bám rễ quá sâu trong tâm tưởng.
Cách duy nhất để giải quyết là “chạy” lại một hệ thống suy nghĩ hoàn toàn mới và đột phá trong tiềm thức của người làm kinh doanh. Chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: nếu làm được điều đó, sẽ phải mất bao nhiêu thời gian?
Đúng là không chỉ ngày một ngày hai nhưng nếu ta có lộ trình, kế hoạch nghiêm túc cho chuyện này thì việc giảm thời gian bước nhảy vọt như những người bạn láng giềng Nhật Bản hay Singapore sẽ là điều có thể.
Ước mơ lớn của dân tộc
Thể lực ta vốn đã bé nhỏ nay lại còn yếu kém. Ở Việt Nam, cũng có một số tổ chức tập hợp được khá nhiều doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc. Họ có các quy định riêng để các doanh nghiệp tham gia được hưởng quyền lợi bình đẳng nhất. Nhưng cái manh mún vẫn còn. Sau lưng vẫn âm thầm đấu đá, lấn sân của nhau. Đó chính là tầm nhìn chưa hướng về cùng một phía. Hệ tư tưởng chưa thực sự đồng nhất.
Tôi ấp ủ sẽ có một tổ chức đứng ra để tập hợp những doanh nhân tiềm năng và những doanh nhân này sẽ cùng nhau chung một ý thức hệ, khát vọng, tiến bộ và thịnh vượng để cùng giúp “kẻ yếu hơn” trên đôi vai của chính mình… Thì ngày mà ta “sánh bước năm châu” sẽ không còn là xa vời, sẽ không còn phải ngồi tính xem ta đi chậm hơn nước khác bao nhiêu năm nữa.
Nghe thì có vẻ to tát thậm chí nhiều người cho là huyễn hoặc. Nhưng thế giới có được những phát minh từ những người “điên”. Hãy thử nhìn xa hơn, tới năm 2018 với lộ trình giảm thuế nhập khẩu và cuối cùng sẽ bằng không, khi đó các doanh nghiệp Việt sẽ ra sao nếu vẫn cứ hoạt động “loạn” như hiện nay.
Phải nhìn ra cái “nguy hiểm” của cái năm 2018 để mà đặt mục tiêu cho mình “chết đống còn hơn sống mình”. Đừng chỉ ngồi đó mà đợi các ban ngành chức năng đưa ra chỉ đạo. Chúng ta cần có trách nhiệm cho tương lai của chính mình. Còn 3 năm nữa để thay đổi cục diện. Hy vọng sẽ có một kì tích nữa như Singapore ở Việt Nam. Tất cả tùy thuộc vào đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước./.
Mr Why - Phạm Ngọc Anh/Người đưa tin