Học sinh bị đánh hội đồng mặc dù đã hoà nhập với bạn bè trường mới nhưng nỗi ám ảnh, bức xúc vẫn còn đó. Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại bạo lực học đường có xu hướng gia tăng nhưng biện pháp “dẹp loạn” còn... nương nhẹ.
Clip có tiêu đề “Học sinh lớp 7 đánh nhau” xảy ra ở Trà Vinh đã trở thành tâm điểm của Cộng đồng mạng trong suốt thời gian vừa qua. Những hình ảnh trong video kia hoàn toàn không phải là chuyện trẻ con bắt nạt nhau mà là một cuộc thị uy, một hình thức bạo lực phi nhân tính. Nhiều người xót xa khi học sinh bị “đánh đòn hội đồng” dù không phải con mình. Thầy giáo Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã xin từ chức.
PGS. Văn Như Cương, một nhà giáo Việt Nam, đã vô cùng phẫn nộ và xót xa khi xem đoạn clip, ông cho biết: “Tôi thấy phẫn nộ, khó hiểu, không hiểu được tại sao lớp thanh thiếu niên lại có hành vi hung hăng như thế. Đánh đập một con người với thái độ căm thù sâu sắc chứ không phải là bạn bè với nhau nữa. Tôi thật sự thấy khó hiểu với những người tham gia đó. Với những người đứng xem, chúng không tham gia nhưng sao chúng có thể vô cảm đến thế làm tôi rất khó hiểu?”.
Ai “mạnh tay” xử bạo lực học đường?
Cũng theo PGS. Văn Như Cương, chúng ta vẫn giáo dục trẻ con rằng phải luôn bênh vực những người yếu đuối, luôn bênh vực lẽ phải nhưng đây thì chúng hò reo cổ vũ. Ông thấy vô cùng khó hiểu ở chỗ vụ đánh hội đồng ấy tuy chỉ ở trong phòng nhưng không phải chỉ có một lớp ấy biết, những người đi qua cửa sổ lớp ấy cũng biết nhưng không có ai động tĩnh thông báo gì với ban giám hiệu, với giáo viên chủ nhiệm, với bảo vệ.
Phải đến hai tháng sau nhà trường mới biết được, điều ấy cho thấy sự quản lý hết sức lỏng lẻo của nhà trường. Với một sự việc nghiêm trọng như thế xảy ra cộng đồng mạng cũng như ngoài xã hội họ phản ứng như thế nào? Vậy sao nhà trường có thể im lặng được.
Vấn đề hậu giải quyết bạo lực học đường mới thực sự cần thiết. PGS. Văn Như Cương cho rằng, nhà trường nên có những cuộc hội thảo tại các lớp để các em tự nói lên ý kiến của mình trước vụ việc bạo lực.
Đó là một cách giáo dục thiết thực nhất cho học sinh. “Tại sao những tấm gương tốt như học sinh nhặt được tiền trả lại cho người đã mất thì chúng ta nêu gương, trong khi một tấm gương cần phải phê bình, cần phải được giáo dục thì chúng ta lại né tránh, ỉm đi”, ông Cương nhấn mạnh.
Ông Cương đưa ra biện pháp nhà trường cũng nên đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm với học sinh có hành vi mang tính côn đồ. Phải công khai, nêu gương trước nhà trường để học sinh nhận thức cái sai và sửa chữa. Nhưng nếu tất cả đều im lặng thì sự việc này sẽ còn tiếp tục xảy ra...
Công khai để cùng xử lý
Theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, tình trạng bạo lực học đường tuy không mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề nhạy cảm nên cần cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý.
“Theo tôi nên công khai, minh bạch mọi thông tin về bạo lực học đường để toàn xã hội cùng tìm cách giải quyết” – ông An nói. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nếu để xảy ra các hành vi bạo lực trẻ em, thì người đứng đầu ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình: Những việc nên làm với trẻ khi bị bạo hành
Trong môi trường giáo dục những hành động như đánh đập, vùi dập, làm nhục đều khiến đứa trẻ luôn trong trạng thái hoảng sợ, thiếu tự tin, rụt rè, lo lắng, sợ hãi... Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình... Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình.
Chuyên gia tâm lý trịnh Hòa Bình.
Khi bị bạo hành, có hai phản ứng ở trẻ thường xảy ra. Nếu biểu hiện ra bên ngoài, trẻ có thể thay đổi tính nết. Đang hiền lành, trẻ bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Loại thứ hai là cách phản ứng thu mình lại. Trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt.
Việc đầu tiên chúng ta nên làm với một trẻ bị bạo lực là ngay lập tức không cho trẻ tiếp tục đến những cơ sở đó. Tuy nhiên, cũng không nên đưa trẻ đến bác sỹ, nhất là đến bệnh viện. Điều này khiến trẻ rơi từ cảm giác sợ hãi này đến cảm giác sợ hãi khác. Được gia đình yêu thương, che chở, tránh xa môi trường độc hại đã là một liều thuốc quý đối với trẻ. Dần dần, trẻ sẽ trở nên yên tâm và bình tĩnh trở lại. Nếu cảm thấy còn lo lắng hoặc các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ có thể đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý “không mặc đồng phục bác sỹ” để có được những lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể.
Giám sát đến từng lớp học
TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chỉ rõ, bộ Giáo dục và Đào tạo cần bố trí dạy quân sự lên 2 tiết/tuần, có cả biên chế cho các giáo viên quân sự. Hiện nay, cán bộ Tâm lý học đường, thời gian dạy Kỹ năng sống “dạy người” của mỗi trường hầu như là không có. Nếu chỉ kêu ca và đổ lỗi cho nhau thì tình trạng bạo lực trong nhà trường chắc chẳng bao giờ giải quyết được.
TS. Nguyễn Tùng Lâm.
Ông cũng kiến nghị luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng phải bổ sung khi trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bạo lực thì phải chịu trách nhiệm, phải phạt như thế nào…
Là một Hiệu trưởng trường dân lập nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt, nhưng TS. Nguyễn Tùng Lâm luôn có phương pháp giáo dục đặc biệt để đưa các em vào khuôn phép. Ông cho biết, trong trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ban Giám hiệu có hệ thống quản lý rất chặt chẽ từ giám thị, bảo vệ, thầy cô, nắm chắc tình hình nội bộ từng lớp… Giám thị một tiết đi tuần mấy lần và trực ở chỗ đông học sinh nhất trong giờ ra chơi để phản ứng nhanh, giải quyết nhanh nếu có sự cố xung đột xảy ra.
Không phải cứ đóng tiền học là xong
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc cần xem lại thước đo về giáo dục đạo đức, không những trong nhà trường mà còn ngoài xã hội. Cách tiếp cận học sinh thế nào để giáo dục cho đúng và giáo dục như vậy đã đủ chưa, hợp lý chưa, giáo dục cái gì... “Phải quy trách nhiệm cụ thể với gia đình học sinh thế nào để cùng tham gia vào quá trình giáo dục chứ không phải cứ đóng tiền là xong nghĩa vụ” - chuyên gia này nhìn nhận.
Theo Cù Hiền/Đời sống và Pháp luật