Tin mới

Ai xác thực lời thừa nhận của Thượng tá Võ Đình Thường?

Chủ nhật, 22/10/2017, 10:38 (GMT+7)

Cuối cùng, Thượng tá Võ Đình Thường - Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai, người ký giấy mời các tài xế đến làm việc đã chính thức thừa nhận với báo chí: Ông chính là vị Đại uý Trạm trưởng từng bị kỷ luật trong vụ “mãi lộ” xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lại được đặt ra sau việc thừa nhận này, vì các thông tin chưa được các cơ quan chức năng xác thực.

Cuối cùng, Thượng tá Võ Đình Thường - Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai, người ký giấy mời các tài xế đến làm việc đã chính thức thừa nhận với báo chí: Ông chính là vị Đại uý Trạm trưởng từng bị kỷ luật trong vụ “mãi lộ” xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lại được đặt ra sau việc thừa nhận này, vì các thông tin chưa được các cơ quan chức năng xác thực.

Nhiều người đặt câu hỏi về quá trình thăng cấp của ông Thường (Ảnh minh họa).

Trước đó, như báo Người Đưa Tin phản ánh, từ vụ lùm xùm BOT Biên Hòa, dư luận phát hiện và đặt nghi vấn về sự trùng hợp đến bất thường của cái tên Võ Đình Thường. Tất cả đang đi tìm và chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Cụ thể, qua hình ảnh giấy mời các tài xế đến  (PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) làm việc, dư luận đặt nghi vấn, Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai, người ký giấy mời các tài xế đến làm việc chính là Đại uý Võ Đình Thường từng bị kỷ luật trong vụ “mãi lộ” xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm? 

Đến trưa ngày hôm nay, 21/10, sự việc tưởng như đã sáng tỏ khi Thượng tá Thường chính thức thừa nhận ông chính là Đại uý Thường bị kỷ luật trong vụ tiêu cực khá nổi tiếng ở trạm CSGT Dầu Giây 14 năm trước. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lại phát sinh ngay sau lời thừa nhận này, bởi lẽ ngoài phát ngôn của người trong cuộc, các cơ quan chức năng chưa chính thức xác nhận một thông tin nào trong phát ngôn đó.

Trước hết, việc ông Thường chính là… ông Thường là một điều hiển nhiên và cơ quan quản lý ông Thường, Công an tỉnh Đồng Nai là nơi nắm vững hơn ai hết, có quyền phát ngôn hơn ai hết lại rất “nhẩn nha” trước băn khoăn của dư luận.

Cụ thể, để xác minh thông tin, PV báo Người Đưa Tin cũng như nhiều PV khác tại tỉnh đã gõ cửa các cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, PV vẫn chưa thể tiếp xúc được với các lãnh đạo “phát ngôn chính thức” về vụ việc.

Xin điểm lại hành trình “vô vọng” này: Đầu tiên, phóng viên đến PC67, Công an tỉnh Đồng Nai tìm hiểu. Tại đây, Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt tỉnh Đồng Nai cho biết, đang bận họp, không thể trả lời. Vị này đề nghị PV liên hệ lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai.

Tại Công an tỉnh Đồng Nai, PV đã liên hệ Trưởng phòng Tham mưu của cơ quan là ông Nguyễn Văn Thọ. Tuy nhiên, ông Thọ đề nghị PV liên hệ trực tiếp với ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Ngay sau đó, nhiều PV đã cố gắng gọi điện cho Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai để xin gặp, tìm hiểu về vụ việc. Tuy nhiên, vị này không nghe điện thoại. Sau đó, các PV đã đến trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai, xin vào gặp lãnh đạo nhưng không thành công.

Trước đó, khi tiếp xúc với PV Người Đưa Tin, Thượng tá Thường không nói nhiều về vụ việc và khi được hỏi ông đã không xác nhận cụ thể mình có phải là Trạm trưởng CSGT từng bị kỷ luật cách đây 14 năm hay không, mà chỉ nói ngắn gọn  “Là cán bộ, chiến sĩ được phân công nhiệm vụ thì phải thực hiện”.

Trong  khi đó, sáng 21/10, thông tin cho PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói rằng, ông không theo dõi mạng xã hội nên chưa biết thông tin vụ việc. “Để tôi hỏi công an vì công an chưa báo cáo gì hết. Tôi lại không đọc mạng xã hội nên chưa biết thông tin cụ thể”, ông Cường cho biết.

Đến trưa 21/10, sau khi đã chính thức thừa nhận mình chính là vị Đại uý trưởng trạm CSGT Dầu Giây bị kỷ luật trong vụ "mãi lộ" nổi tiếng cách đây 14 năm, ông Thường cho biết mình không bị kỷ luật đuổi khỏi ngành như dư luận trên mạng xã hội khẳng định. Ông Thường cũng phủ nhận dư luận đồn đoán rằng ông là con rể ông của lãnh đạo chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hoà. Tuy nhiên, trên báo Tuổi trẻ, ông Thường cho biết con gái ông "lấy một người cháu của lãnh đạo công ty Cường Thuận (chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hòa). Nhưng "pháp bất vị thân" nên không có gì dính dáng đến gia đình cả”.

Tối 21/10, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Thường có những chia sẻ cởi mở hơn về vụ việc cách đây 14 năm. Ông Thường nói rằng, vào năm 2003, sau vụ tiêu cực xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây, ông và nhiều cán bộ chiến sĩ khác bị xử lý kỷ luật. Ông bị cách chức buộc rời khỏi lực lượng CSGT và điều chuyển về phòng Cảnh sát trật tự - Hành chính (PC64) để công tác. Một năm sau, ông Thường được xóa kỷ luật và đến năm 2005 ông được cất nhắc lên vị trí Đội trưởng đội Cảnh sát 113 (PC64) kéo dài đến năm 2010.

“Nhờ biết sửa lỗi lầm cũ, cố gắng trong công tác nên tôi được bổ nhiệm qua nhiều vị trí và mới đây, tôi được điều động về PC67 giữ chức Phó trưởng phòng. Tôi nghĩ cuộc sống ai cũng sẽ có một vài lần sai lầm nhưng quan trọng mình cố gắng và sửa lỗi ra sao. Và suốt 14 năm qua, tôi đã cố gắng hết sức mình”, ông Thường chia sẻ.

Như vậy, đến nay, thực hư sự việc vẫn còn nhiều điểm cần được làm sáng tỏ, vì chưa một cơ quan chức năng hay cấp có thẩm quyền nào xác thực các thông tin ông Võ Đình Thường cung cấp cho báo chí.

Diễn biến vụ tiêu cực tại trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm qua báo chí

- Buổi giao ban chiều 16/6/2003 của trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Dầu Giây thuộc phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) đã được ghi âm toàn bộ. Theo đó, Trưởng trạm Dầu Giây, Đại úy Võ Đình Thường (nay là Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng PC67) và phó trạm cùng có ý kiến chỉ đạo thuộc cấp "nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng" khi ăn tiền ôtô lưu thông và biện pháp đối phó báo chí là "đừng để bị gài máy ghi âm, chụp hình". (Báo Pháp luật TP.HCM, ngày 23/6/2003).

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Hoàng đã ra quyết định xử lý cán bộ tiêu cực ở trạm CSGT Dầu Giây, trong số người bị xử lý có Trạm trưởng Võ Đình Thường và Trạm phó Trần Vũ Khanh. Ngoài Hà Nội, Thiếu tướng Lê Thành, phụ trách lực lượng CSGT cả nước cho biết, sẽ xử lý rất nghiêm vụ việc. (Báo Tuổi trẻ, báo Pháp luật TP.HCM, ngày 24/6/2003).

- Văn phòng Chính phủ có công văn 3258 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải về những tiêu cực tại trạm CSGT Dầu Giây. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thanh tra làm rõ việc. Nếu đúng phải xử lý nghiêm và báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Công văn nêu rõ, dư luận phẫn nộ trước việc một số CSGT trạm Dầu Giây có những hành động tinh vi để đòi mãi lộ của tài xế xe ô tô. Đặc biệt, khi vụ việc có nguy cơ bị bại lộ, lãnh đạo trạm đã họp bàn cách đối phó với cấp trên và công luận. (Báo Tiền phong,ngày 4/7/2003)

- Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có quyết định cách chức Trạm trưởng Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng CSGT. 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Văn bản của Công an tỉnh Đồng Nai kết luận Đại úy Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Khi xảy ra sai phạm, ông Thường không chấn chỉnh mà còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành. (Báo Pháp luật TP.HCM , 26/10/2003).

Bộ Công an yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai báo cáo

Đáng chú ý, trả lời báo Tuổi trẻ, Thiếu tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng  bộ Công an) cho hay, cơ quan bộ Công an đã biết thông tin về việc dư luận thắc mắc, cách đây 14 năm cán bộ CSGT là Đại úy Võ Đình Thường - Trưởng trạm CSGT Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đã bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng CSGT. Thiếu tướng Quang cho biết đã có yêu cầu Công an Đồng Nai báo cáo. Hiện, bộ Công an đang đợi báo cáo cụ thể về việc kỷ luật, quá trình công tác.... Bị kỷ luật thì cũng có quy định về thời hạn. Nếu hết thời hạn kỷ luật, mà cán bộ, chiến sĩ đó có phấn đấu, tiến bộ thì công nhận sự tiến bộ đó.

Trạm CSGT Dầu Giây, một trong những trạm CSGT lớn nhất nước.

Theo thông tin ghi nhận của PV, trạm CSGT Dầu Giây là một trong những trạm CSGT lớn nhất nước, với 4 tổ tuần tra hoạt động 24/24. Trong đó, 2 tổ án ngữ 2 đoạn Quốc lộ 1, 1 tổ trên Quốc lộ 56, 1 tổ ở địa bàn giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Lưu lượng xe qua địa bàn kiểm soát Dầu Giây rất lớn: Ra Bắc, vào Nam, lên cao nguyên Lâm Đồng và cùng kinh tế trọng điểm Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM.

 

* Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên đến quý bạn đọc!

Vĩnh Thựu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news